Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát của Mỹ tiếp tục nóng vì giá thực phẩm và năng lượng tăng nhanh

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  – Lạm phát của Mỹ tăng nhanh nhất trong hơn 40 năm qua với chi phí thực phẩm, xăng, nhà ở và các nhu yếu phẩm khác đang gây sức ép lên người tiêu dùng Mỹ và xóa sạch mức tăng lương mà nhiều người nhận được.

Giá các mặt hàng thực phẩm ở Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 3 khi nông dân và các nhà bán lẻ chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng. Ảnh: NY Times

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12-4, trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ  tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng lạm phát hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 12-1981 khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ. Mức tăng này đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trên 6% do chi phí thực phẩm và năng lượng tăng vọt, các căng thẳng nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (không tính các mặt hàng thực phẩm và năng lượng) ở Mỹ tăng 6,5% so với cách đây một năm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8-1982. Nếu tính theo tháng, CPI của Mỹ tăng 1,2% trong tháng 3 và đây là mức tăng nhanh nhất trong một tháng kể từ năm 2005.

Người tiêu dùng Mỹ đang cảm nhận áp lực chi phí cho các sinh hoạt thường ngày. Giá xăng đã tăng 48,8% trong năm qua, trong lúc đó, giá vé máy bay tăng gần 24%, giá các bộ âu phục dành cho nam tăng gần 15%, giá thịt lợn muối xông khói tăng 18%…

Giá cả cứ tăng dai dẳng giữa lúc nền kinh tế tổng thể vẫn vững mạnh và thị trường lao động của Mỹ vẫn tăng trưởng. Các doanh nghiệp Mỹ đã bổ sung 431.000 việc làm trong tháng 3, đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp mức tăng trưởng số việc làm duy trì trên 400.000. Đây là mạch tăng trưởng việc làm dài nhất của thị trường lao động Mỹ kể từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 1939.

Giá cả năng lượng tăng mạnh vào đầu tháng 3 do chiến sự ở Ukraine đẩy giá dầu thô tăng phi mã. Dù giá xăng ở Mỹ đã dịu lại trong những tuần gần đây nhưng vẫn đang ở sát mức cao kỷ lục.

Lạm phát thực phẩm cũng đang làm tăng chi phí hóa đơn cho bữa ăn của người tiêu dùng Mỹ khi giá thịt, trứng gà và các loại trái cây họ cam quýt đều tăng.

Chiến sự ở Ukraine gây ra tình trạng gián đoạn trong hoạt động sản xuất phân bón và lúa mì trên toàn cầu và điều này có thể làm gia tăng thêm áp lực giá cả trong những tháng tới.

Richard F. Moody, nhà kinh tế trưởng tại của Ngân hàng Regions Financial Corp, cảnh báo gánh nặng tăng giá có thể dẫn đến sự thoái lui của người tiêu dùng. Chi tiêu của người dân Mỹ đã giảm tốc lại trong tháng 2, chỉ tăng 0,2% so với tháng 1.

Ông nói: “Các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình đang phải cân nhắc những gì nên mua vì họ đã phải tốn nhiều chi phí hơn cho các mặt hàng thực phẩm và năng lượng”.

Alex Salwisz, 40 tuổi, quản lý chương trình trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sống ở vùng ngoại ô của TP. Denver, bang Colorado, chịu áp lực lớn do chi phí nuôi 5 đứa con của mình ngày càng tăng.

Anh đã cố gắng chuyển sang các sản phẩm thực phẩm thông thường để thay thế cho thực phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Salwisz cho biết lạm phát đã làm xói mòn tiêu chuẩn sống của gia đình anh theo những cách khác. Những đứa trẻ đã càu nhàu khi cả gia đình anh phải nhồi nhét vào chiếc xe van nhỏ để tiết kiệm xăng. Hai vợ chồng Salwisz đang cân nhắc hủy bỏ kế hoạch cho con cái tham gia trại hè vì chi phí tăng mạnh.

Trong tháng 3, CPI của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái với giá xăng, xe cũ, phòng khách sạn, vé máy bay dẫn đầu đà tăng lần lượt ở các mức 48,8%, 35,3%, 25,1% và 23,6%. Ảnh: AP

Đà phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu du lịch, ăn uống nhà hàng và các dịch vụ khác cũng góp phần đẩy tăng lạm phát. Chi phí cho các dịch vụ này có thể tăng mạnh hơn khi kỳ nghỉ mùa hè thúc đẩy mọi người chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng.

Đà tăng giá nhà ở, vốn chiếm khoảng gần 1/3 rổ tính CPI, cũng đang gây thêm sức ép lạm phát.

Nhu cầu tuyển dụng việc làm mạnh mẽ đã chuyển quyền thương lượng hợp đồng sang người lao động, gây sức ép tăng lương, có thể dẫn đến các mức tăng giá cả trên quy mô rộng hơn. Trong tháng 3, mức lương của người lao động Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái,  tốc độ tăng lương hàng năm nhanh nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thống kê vào 1997.

Phần lớn các mức lương đang tăng quá chậm để bù đắp lạm phát, điều này có thể thúc đẩy người lao động yêu cầu mức lương cao hơn, tạo ra một vòng lẩn quẩn: lương tăng, giá cả tiêu dùng tăng.

Lạm phát cao là điểm bất lợi của đà tăng trưởng bùng nổ khi nền kinh tế Mỹ bật dậy mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng Covid-19, khiến Fed phải “đau đầu” tính toán làm thế nào để hạ nhiệt giá cả mà không gây tổn thương lớn cho tăng trưởng

Blerina Uruci, nhà kinh tế của Công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price Group, cho biết: “Chúng tôi đang thấy đà tăng lạm phát mạnh mẽ trên diện rộng, cả đối với hàng hóa lẫn dịch vụ. Đối với tôi, đây là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Mối đe dọa khác là cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine và sự trỗi dậy của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Tất cả những điều này có thể khiến các chuỗi cung ứng mất nhiều thời gian hơn để trở lại tình trạng bình thường”.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế nhận định lạm phát của Mỹ đang ở mức đỉnh hoặc gần sát đỉnh. Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế tại Công ty tư vấn Oxford Economics, dự báo ​​lạm phát hàng năm của sẽ đạt 9% vào tháng 5 và sau đó bắt đầu giảm từ từ.

Theo Wall Street Journal, AP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới