Thứ Tư, 27/09/2023, 12:47
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Lạm phát đi về đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm phát đi về đâu?

Tâm Dân

(TBKTSG) – Một tuần sau khi tỷ giá được điều chỉnh tăng, khoảng cách giữa tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do vẫn còn rộng, khoảng 1.000 đồng/đô la Mỹ. Vấn đề đặt ra là liệu tỷ giá chính thức sẽ “hợp lý hóa” đến mức nào và những hệ quả trực tiếp đối với chủ trương kiềm chế lạm phát sẽ ra sao?

Không riêng gì vấn đề tỷ giá. Một số mặt hàng chủ yếu khác như điện, than, xăng dầu… cũng đã và đang nằm trong lộ trình tăng giá năm 2011 của Chính phủ. Chưa kể sự biến động phức tạp của kinh tế – chính trị thế giới, giá dầu mỏ, lương thực đang tăng cao… Có vẻ như thị trường trong nước đang hứng chịu nhiều thử thách dồn dập, khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi không rõ mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay (tăng 7%) sẽ xoay vần ra sao trước những áp lực nặng nề như vậy? Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ cần kiên trì với tầm nhìn dài hạn, biết lựa chọn, vận dụng những giải pháp phù hợp, ưu tiên xử lý những vấn đề cấp thiết trong một chuỗi mắt xích nhiều tồn tại cần phải giải quyết.

Có thể nói, quyết định tăng tỷ giá là phù hợp và là ưu tiên số một cần phải giải quyết nhằm ổn định cấp bách tình hình kinh tế vĩ mô. Một mũi tên trúng nhiều đích, bên cạnh việc tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế như khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng… cung cách điều hành tỷ giá mới hy vọng sẽ giúp thu hẹp cánh kéo giữa thị trường chính thức và phi chính thức, cải thiện lòng tin, minh bạch về chính sách, giảm dần kỳ vọng găm giữ ngoại tệ.

Trong mối tương quan giữa tỷ giá/lạm phát/tăng trưởng, khi tỷ giá tăng tất yếu sẽ dẫn đến biến động tăng nhất thời của một bộ phận rổ hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong khi đó lạm phát/tăng trưởng lại là những biến số dài hạn, nếu có ảnh hưởng thì mức độ tác động cũng không phải là quá lớn. Điều quan trọng trong thời gian đến là sự phối hợp có hiệu quả, nhịp nhàng các công cụ điều hành khác của chính sách tiền tệ và tài khóa, xem đây như “đột phá khẩu” để mở đường cho các biện pháp điều hành khác được phát huy tác dụng.

Sự công khai minh bạch chính sách là điều cần thiết nhưng sự giải trình chính sách thường xuyên thực sự có ý nghĩa quan trọng hơn. Một mặt Chính phủ công bố mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng mặt khác vẫn tiến hành điều chỉnh tăng giá các mặt hàng chủ yếu theo lộ trình, điều này không có gì mâu thuẫn nếu có sự giải thích thấu đáo. Những bộ trưởng đầu ngành phải là người chịu trách nhiệm trước dư luận về việc này.

Không rõ tự bao giờ, mọi người trong chúng ta có thói quen tâm lý trông chờ vào chỉ số lạm phát hàng tháng được công bố để lựa đường hành động (?), mà không thấy rằng chỉ số này phần lớn chỉ mang giá trị kỹ thuật đối với các nhà hoạch định chính sách. Thậm chí ở một số nước tiên tiến còn áp dụng thêm chỉ số lạm phát cơ bản, có loại trừ biến động giá của các mặt hàng lương thực và năng lượng để làm căn cứ đề xuất chính sách điều hành vĩ mô.

Cũng cần nói thêm về tác động của thông tin tuyên truyền, mọi sự thái quá trong cách thức phân tích nhận định tình hình, đưa tin… nhiều khi góp phần dẫn dắt dư luận và người tiêu dùng lâm vào thế hoang mang, bị động trong ứng xử. Hay nói khác đi, chúng ta cần tập chung sống và thích nghi với nền kinh tế mà trong đó lạm phát là hiện tượng thường xuyên. Lo lắng về lạm phát là chính đáng và cần thiết, tuy nhiên thái độ và cách ứng xử đúng đắn với lạm phát lại giúp ích nhiều hơn cho chính cá nhân mình và cộng đồng xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới