Lạm phát gia tăng tại châu Á
Phúc Minh
![]() |
Giá ớt tại Indonesia tăng gấp 10 lần trong mấy tháng qua. Ảnh: Sina |
(TBKTSG Online) – Giá ớt tại Indonesia tăng gấp 10 lần trong mấy tháng qua, lên đến 10-11 đô la Mỹ/kg (khoảng 194.000 – 213.000 đồng VN/kg). Sự gia tăng này gây lo ngại trên toàn Indonesia vì người Indonesia thích ăn cay, thường dùng ớt tươi trong các bữa ăn.
Giá ớt tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến mọi gia đình. Một số người cho biết phải cố gắng thích ứng với việc này. Bà nội trợ Jarwati kể, những người lúc trước mua 1kg ớt thì bây giờ chỉ mua 0,5kg, những người hay mua 250 gram thì bây giờ chỉ mua 100 gram.
Nhiều người cho rằng mưa lớn hiếm thấy tại Indonesia do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra đã khiến vụ thu hoạch ớt tại nước này bị thiệt hại nặng.
Không chỉ tại Indonesia, giá thực phẩm đang gia tăng tại hầu hết các nước châu Á. Giá dầu hỏa, sắt thép, than đá và các nông khoáng sản khác trên thị trường thế giới cũng đang tăng.
Một số nhà kinh tế e ngại lạm phát có thể làm giảm thiểu sức mua của tầng lớp trung lưu tại các nước châu Á. Ngay cả những nước có tốc độ tăng trưởng cao như Indonesia, Trung Quốc và Ấn Ðộ, đà leo thang của giá cả cũng làm cho người dân cảm thấy khốn đốn.
Nhà kinh tế trưởng của Ủy ban kinh tế và xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc, ông Nagesh Kumar, cho biết khoảng 980 triệu người tại châu Á có thu nhập chưa đến 1,25 đô la Mỹ/ngày và hầu hết thu nhập của họ được dùng để mua thực phẩm.
Tại các nước phát triển như Hàn Quốc, lương thực chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong ngân sách gia đình nhưng lạm phát cũng tạo ra những vấn đề khó khăn về kinh tế và chính trị, khiến chính phủ phải ra sức kiềm chế.
Ông Kumar nói nỗ lực kiềm chế lạm phát có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Những tháng gần đây, ngân hàng trung ương Trung Quốc, Indonesia và các nước khác đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Ông Kumar cảnh báo, trong khi vụ mùa tại nhiều nơi trên thế giới bị thất bát cộng với sụt giảm đầu tư vào nông nghiệp tại phần lớn các nước châu Á, giá lương thực leo thang có thể gây khốn đốn cho nhiều người và tạo thêm nhiều thách thức cho chính phủ.
(theo VOA, BBC)