Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát không chỉ là chuyện của châu Á  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm phát không chỉ là chuyện của châu Á  

Sản phẩm gốm Bát Tràng xuất sang Mỹ đã tăng giá 10% so với năm ngoái nhưng vẫn không bù nổi mức tăng chi phí sản xuất.

(TBKTSG) – Lạm phát cao không chỉ gây khốn đốn cho người nghèo ở châu Á mà người tiêu dùng ở Mỹ cũng bắt đầu thấm đòn do không còn được mua hàng giá rẻ.  

Lạm phát lan rộng; tăng trưởng chậm lại.

Bất chấp nỗ lực của các chính phủ, lạm phát tiếp tục tăng cao và diễn ra cùng một lúc ở nhiều nước. Philippines vừa thông báo, chỉ số tiêu dùng của nước này tăng gấp đôi trong năm tháng qua, trong tháng 3-2008 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát ở Singapore tăng từ mức 0,8% trong nửa đầu năm 2007 lên 6,6% trong hai tháng đầu năm 2008. Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc đã ở mức 8,7%, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua; giá lương thực thực phẩm ở nước này đã tăng 23,3% và trở thành thảm họa đối với đại bộ phận dân nghèo.

Ở Ấn Độ, giá bán buôn tăng mạnh với tỷ lệ 7% so với tỷ lệ 3,1% vào tháng 10-2007 và vượt xa mức trần 5% mà Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đề ra. Nhật Bản – nền kinh tế đã vật lộn với tình trạng giảm phát trong gần một thập niên, nay chỉ số giá tiêu dùng tăng 1% trong tháng 2-2008; đây là mức lạm phát nhanh nhất kể từ tháng 3-1998… (Tỷ lệ lạm phát các nước tính theo mức bình quân cả năm).

Theo kinh tế gia Peter Morgan thuộc Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông thì Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Sri Lanka phải đối mặt với nguy cơ lạm phát phi mã vì chi phí năng lượng ngày càng cao. Các nhà sản xuất phải chi nhiều tiền hơn để mua dầu, vàng và các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Lạm phát kéo giá cả sinh hoạt tăng cao khiến công nhân ở Việt Nam, Ai Cập và Campuchia đình công đòi tăng lương. Nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc đã lâm vào túng quẫn khi giá than, giá quặng sắt và các nguyên liệu khác tăng nhanh. Jong-Wha Lee, trưởng bộ phận hội nhập kinh tế khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, “Lạm phát là mối đe dọa chính cho các nước châu Á”.

Nhật Bản, Trung Quốc và một số nền kinh tế hướng vào xuất khẩu đang chịu nhiều tổn thất khi mà đồng đô la Mỹ – đồng tiền của bạn hàng lớn nhất của họ – mất giá từng ngày. Lần đầu tiên trong mười hai năm qua, một đô la Mỹ không bằng 100 yen và chỉ ăn được 7,1 nhân dân tệ. Tập đoàn sản xuất xe hơi lớn nhất Nhật Bản Toyota, cho biết, lợi nhuận của họ trong năm nay sẽ giảm khoảng 35 tỉ yen (tương đương 350 triệu đô la Mỹ).

Có lẽ chưa bao giờ các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải gánh chịu mức chi phí cao như hiện nay khi mà đồng nhân dân tệ tăng đến 18% so với đô la Mỹ tính từ khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách “neo” đồng tiền vào đô la Mỹ tháng 7-2005.

Từ tình hình đó, vào đầu tháng 4-2008, trong bản báo cáo triển vọng kinh tế hàng năm, ADB dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình năm 2008 ở châu Á sẽ là 5,1%, mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch ADB, nói rằng: “Nếu tình hình lạm phát ở châu Á trầm trọng thêm, nó có thể tạo ra những biến dạng tổn hại đến tăng trưởng sản xuất trong một thời gian dài”.

Theo ADB, châu Á chỉ có thể đạt mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,6% trong năm nay, thấp hơn mức 8,7% trong năm 2007 và là con số tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ năm 2003. Cụ thể, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn 10% trong năm 2008 và 9,8% trong năm 2009 so với mức 11,4% năm 2007; kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 8,7% năm 2007 sẽ chỉ còn 8% trong năm nay và 8,5% trong năm 2009. Theo các nhà kinh tế, các nước nghèo và những nước có mức thu nhập trung bình sẽ dễ bị tổn thương hơn với nạn lạm phát, khi mà giá hàng hóa trở nên đắt đỏ.  

Tác động đến người tiêu dùng

Một nửa số hàng hóa tiêu thụ trên đất Mỹ đến từ các nước châu Á và theo giới quan sát, thời mua hàng giá rẻ đã qua. Đối mặt với giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, lương công nhân tăng, các nhà sản xuất châu Á không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá sản phẩm và chuyển một phần chi phí cho người tiêu dùng.

“Làm ăn trong thời buổi này quá khó khăn”, ông Lê Hoài Vũ, Giám đốc kinh doanh của Công ty Gốm Quang Vinh ở Bát Tràng, Việt Nam, than thở với phóng viên báo New York Times. Ông Vũ cho biết, công ty ông phải tăng giá 10% đối với mặt hàng bình gốm vẽ bằng tay sản xuất cho Công ty Pier 1 Imports bên Mỹ; lý do là chi phí nhân công đã tăng đến 30% trong năm qua và chất men nguyên liệu mà công ty nhập khẩu từ Bỉ, thanh toán bằng đồng euro, cũng đã tăng 80% trong năm qua nếu quy ra tiền Việt Nam.

Ở Trung Quốc, nhà cung cấp thiết bị vệ sinh Foshan Shunde Augustus cũng tăng giá 10% đối với phần lớn thiết bị vệ sinh xuất sang thị trường Bắc Mỹ. Hậu quả là hóa đơn nhập khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển tăng nhanh.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ, nếu chỉ số trung bình giá hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển giảm liên tục từ đầu năm 2004 đến hết năm 2007, thì nay xu thế này đã đảo chiều, trong tháng 2-2008 chỉ số này tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Hậu quả là tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 2-2008 là 4% so với  tháng 2-2007.

Thực ra, các nhà xuất khẩu châu Á chỉ mới chuyển một phần chi phí vào giá thành, còn nếu họ hạch toán vào giá bán sản phẩm toàn bộ chi phí thì giá cả sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Có hai nguyên nhân chính khiến giá hàng hóa trong các siêu thị Mỹ tăng lên, đúng vào lúc kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái. Thứ nhất, các nước đang phát triển hiện chiếm gần một nửa tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, đang tìm cách chuyển bớt chi phí sản xuất cho người tiêu dùng cuối. Thứ hai, lạm phát lại diễn ra ở nhiều nước châu Á cùng một lúc, khiến cho đồng nội tệ của những nước này tăng cao so với đồng đô la Mỹ. Điều này đang đặt người tiêu dùng Mỹ hứng chịu cùng lúc hai thiệt thòi: vừa phải mua hàng với giá cao vừa phải đối mặt với sự sụt giảm sức mua của đồng tiền.

Đáng chú ý là khi giá hàng hóa tăng lên, đồng tiền mất giá, người tiêu dùng sẽ giảm mua sắm và điều đó lại tác động ngược đến người sản xuất, làm giảm sản lượng và tăng chi phí. Lạm phát như vậy sẽ không chỉ là vấn đề của châu Á.  

MỸ HẠNH (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới