Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát, nhu cầu yếu vẫn là mối lo hàng đầu của các nhà bán lẻ toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bất chấp những dấu hiệu ban đầu cho thấy tốc độ tăng giá cả đang chậm lại, các nhà bán lẻ trên toàn cầu vẫn lo ngại lạm phát làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, theo cuộc khảo sát của hãng tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) và Đại hội Bán lẻ thế giới (WRC).

Khách mua sắm trên phố Oxford ở London, Anh. Ảnh: Reuters

Sau nhiều năm sóng gió, nền kinh tế toàn cầu cuối cùng cũng ổn định. Nhưng thế giới đang thay đổi theo những cách gây khó khăn hơn nhiều đối với các nhà bán lẻ so với trước đại dịch Covid-19, với chi phí đầu vào cao kỷ lục, vĩ mô bất ổn kéo dài và các căng thẳng địa chính trị dâng cao.

Báo cáo khảo sát của BCG và WRC, công bố hôm 25-4, được thực hiện với hơn 561 nhà lãnh đạo cấp cao từ 12 lĩnh vực bán lẻ, ghi nhận năm nay, các nhà bán lẻ lo ngại nhất về chi phí gia tăng, chi tiêu của người tiêu dùng giảm và sự biến động khó lường của chuỗi cung ứng.

Theo báo cáo, ở châu Âu, các nhà bán lẻ đang đối mặt với tình trạng doanh số bán hàng chậm lại khi ngân sách của người tiêu dùng bị siết chặt do hóa đơn năng lượng cao, khiến họ chi tiêu ít hơn cho quần áo và mua thực phẩm rẻ hơn.

Việc chuyển chi phí tăng thêm cho người mua sắm đang trở nên khó khăn hơn. 72% số người được hỏi cho biết họ dự kiến người tiêu dùng sẽ nhạy cảm hơn về giá trong năm nay.

“Điều này hạn chế các lựa chọn để các nhà bán lẻ thu hồi và chống lại chi phí đầu vào cao, đồng thời tạo ra những khó khăn mới, chẳng hạn như hành vi mua sắm đang thay đổi của người tiêu dùng đối với các sản phẩm cụ thể”, báo cáo cho biết.

Ví dụ, khi mua hàng hóa thực phẩm, người tiêu dùng ở Anh ưu tiên giá rẻ hơn các yếu tố khác.

Bên cạnh việc tăng giá bán và thương lượng lại với các nhà cung cấp, các nhà bán lẻ đang khám phá những cách sáng tạo để thu hút người mua sắm quay trở lại. Chẳng hạn, họ dành nhiều khoản đầu tư vào các chương trình khách hàng thân thiết, khuyến mãi và cải thiện trải nghiệm của khách hàng trực tuyến.

Chưa đến 13% các nhà lãnh đạo bán lẻ trong cuộc khảo sát nói rằng doanh nghiệp của họ đang đầu tư vào các chiến lược dài hạn, như các giải pháp do AI cung cấp, để thúc đẩy cải thiện doanh số và nhu cầu. Hầu hết, họ tập trung vào các giải pháp ngắn hạn như tăng giá bán và phát động các chiến dịch tiếp thị.

Để đối phó với chi phí hàng hóa tăng cao, 55% số người được hỏi cho biết tổ chức của họ đang tăng giá bán và 52% đang đàm phán lại với các nhà cung cấp, ngoại trừ ở châu Á, nơi giải pháp hàng đầu là cải thiện quy trình quản lý và theo dõi chi phí.

“Cuộc khảo sát này cho thấy rõ nhiều nhà bán lẻ đang bỏ lỡ tiềm năng của các giải pháp do AI cung cấp để giải quyết những thách thức họ đang đối mặt hiện nay và tạo khả năng tăng trưởng lâu dài cho doanh nghiệp của họ”, Ian McGarrigle, Chủ tịch của WRC, nói.

Các tác giả của báo cáo khuyến nghị các nhà bán lẻ nên đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao các chiến lược tiếp thị và định giá bằng thuật toán và máy học.

Theo họ, các ứng dụng của AI sẽ giúp các nhà bán lẻ hiểu rõ hơn về độ co giãn của giá cả và đưa ra dự báo về giá, cũng như giúp giám sát nguồn dữ liệu từ phương tiện truyền thông xã hội theo thời gian thực để phản ứng nhanh chóng với các động thái của đối thủ cạnh tranh và tín hiệu nhu cầu.

“Hầu hết các nhà bán lẻ bên ngoài châu Á đang bỏ qua AI và bỏ lỡ những lợi ích tiềm năng mà công nghệ này mang lại”, họ nhận định.

Tại châu Á, nhiều nhà bán lẻ đang sử dụng AI để nâng cao trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa, giúp họ ứng phó với sức tiêu dùng suy giảm. Trong khi đó, các nhà bán lẻ bên ngoài châu Á ưu tiên đầu tư vào chương trình khách hàng thân thiết, chương trình khuyến mãi tối ưu hóa giới thiệu sản phẩm.

Các  nhà bán lẻ đang dành nhiều kỳ vọng ở thị trường châu Á, với 76% số người tham gia khảo sát dự báo nền kinh tế của khu vực này tăng trưởng trong năm nay khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế sau 3 năm áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt để chống đại dịch Covid-19. Các nhà bán lẻ cũng lạc quan hơn về thị trường Bắc Mỹ so với châu Âu, với 68% dự đoán khu vực này sẽ tăng trưởng trong năm 2023.

Theo Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Lạm phát đang tra tấn toàn thế giới. Mặt trái của nó là làm nghèo thêm người nghèo, làm khó hơn người trung lưu, làm giàu hơn cho kẻ cực giàu. Mặt được của nó là làm cho thiên hạ trở nên biết yêu quý giá trị đồng tiền và của cải vật chất toàn xã hội. Không cần thiết phải trông đợi khi nào sẽ giảm phát. Mọi thứ sẽ tới, một khi con người không còn quan tâm đến những nhu cầu ngoài mức cần thiết để sống hoặc tồn tại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới