(KTSG) - Thông tin vĩ mô tích cực khi lạm phát giảm nhiệt nhờ giá xăng dầu giảm, hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục đà hồi phục là những thông tin đáng chú ý từ số liệu báo cáo tháng 8-2024 của Tổng cục Thống kê.
- Lạm phát của Mỹ lần đầu tiên giảm về dưới 3% kể từ năm 2021
- Lạm phát của Mỹ lần đầu tiên giảm kể từ đại dịch Covid-19
CPI tháng 8 không thay đổi so với tháng 7
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, lạm phát tháng 8 không thay đổi so với tháng 7, theo đó bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tám tháng ở mức 4,04% so với cùng kỳ năm 2023.
Lạm phát tháng 8 cơ bản ổn định do sự sụt giảm mạnh của CPI giao thông, dẫn dắt bởi giá xăng dầu giảm trong tháng 8. Trong khi đó CPI của các nhóm hàng hóa khác giữ xu hướng tăng nhẹ.
Giá xăng dầu giảm đang phản ánh xu hướng nhu cầu yếu trên toàn cầu. Mặc dù OPEC đã hoãn việc tăng cung dầu mỏ ít nhất cho tới tháng 12, nhưng giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này sẽ là điểm tựa để duy trì sự ổn định của xu hướng giảm lạm phát trên toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.
Lạm phát cơ bản được kiểm soát ổn định là một yếu tố rất tích cực cho nền kinh tế khi đây vốn là biến số vĩ mô quan trọng cần lưu ý trong suốt cả năm 2024. Việc lạm phát vẫn được giữ ở dưới mục tiêu 4,5% của cả năm sẽ cho phép chính sách tiền tệ tiếp tục vận hành linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế.
Sản xuất hồi phục trước pha tiêu dùng
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì tăng trưởng với tốc độ tăng toàn ngành tháng 8 là 9,5% so với cùng kỳ. Mặc dù tốc độ tăng đang chững lại nhưng đây vẫn là mức tăng khá tốt trong bối cảnh nền kinh tế chỉ mới vào pha hồi phục.
Ngoài ra chỉ số quản trị mua hàng (PMI) cũng đang trên mức 50 điểm, báo hiệu quá trình hồi phục sản xuất vẫn sẽ tiếp diễn trong những tháng tiếp theo, khi lượng đơn đặt hàng vẫn đang ổn định.
Sự hồi phục của sản xuất cũng tác động tích cực tới việc làm trong khu vực công nghiệp khi số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1-8-2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, hoạt động tiêu dùng nhìn chung vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng nhẹ trong những tháng gần đây. Xu hướng hồi phục nhẹ đến từ chi tiêu với hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trong tháng 7 và tháng 8 do chi tiêu tăng trong giai đoạn nghỉ hè với nhiều dịp lễ lớn nghỉ dài ngày trên cả nước. Trong khi đó, chi tiêu cho bán lẻ, vốn chiếm tỷ trọng chính, gần như giữ nguyên khi duy trì dao động quanh mức 400.000 tỉ đồng mỗi tháng mặc dù đã có nhiều chính sách giảm thuế, phí để kích thích tiêu dùng.
Tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng chậm phản ánh thu nhập dân cư vẫn chưa hồi phục. Đây là diễn biến bình thường trong bối cảnh hồi phục kinh tế chỉ mới diễn ra ở khu vực sản xuất và xuất khẩu, do đó vẫn cần thêm thời gian để thẩm thấu vào thu nhập và tiêu dùng của người dân.
Tỷ giá hạ nhiệt
Một diễn biến tích cực khác là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang hồi phục trở lại, với tổng vốn đăng ký đạt 20,52 tỉ đô la Mỹ, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và tổng vốn thực hiện ước đạt 14,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Kết hợp với xu hướng xuất siêu vẫn đang duy trì, áp lực tỷ giá cũng đang dần giảm bớt trong những tháng còn lại của năm 2024.
Trong vài ngày trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước thậm chí đã chuyển từ trạng thái hút ròng sang bơm ròng trên thị trường mở sau khi tỷ giá đã hạ nhiệt. Trong các tháng còn lại của năm nay, vấn đề tỷ giá cũng sẽ dễ thở hơn nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu các đợt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường.
Chờ đợi cú hích từ nhu cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm
Với xu hướng hồi phục tốt của các chỉ số dẫn dắt trong tháng 7 và tháng 8, tăng trưởng GDP quí 3 và xa hơn là cả năm 2024 được dự báo sẽ đạt kết quả tích cực.
Trong đó, hai biến số cần quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là tỷ giá và lạm phát đều đang diễn biến khá tích cực, trong khi hoạt động sản xuất vẫn đang hồi phục là dấu hiệu khả quan cho tăng trưởng GDP cuối năm.
Các chính sách tài khóa hỗ trợ thuế, phí vẫn tiếp tục được triển khai trong những tháng cuối năm cũng được kỳ vọng sẽ kích thích được nhu cầu tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm, trong đó điểm nhấn là chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết tháng 11-2024 và giảm thuế VAT xuống 8% đến hết tháng 12-2024.