Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát “tích cực”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm phát “tích cực”!

Tâm Dân

(TBKTSG) – Sau năm tháng liên tục duy trì mức tăng dưới 0,3%, đến tháng 9-2010 chỉ số giá vọt lên 1,31%, gấp 4 lần mức bình quân trước đó. So với tháng 12-2009, CPI chín tháng đã tăng 6,46%, nếu căn cứ theo định hướng lạm phát do Chính phủ đặt ra (7-8%) thì dư địa còn lại cho quí 4 là rất mỏng, trong khi những tháng cuối năm lại là thời vụ chuẩn bị kinh doanh sôi động nhất.

Trên thực tế, sự đột biến chỉ số giá tháng 9-2010 gần như không nằm ngoài dự báo của giới chuyên môn. Tuy nhiên đây vẫn là cú sốc lớn đối với thị trường, vốn đang trong tình thế rất nhạy cảm, đặc biệt khi giá vàng và đô la Mỹ liên tục biến động mạnh, triển vọng lạm phát càng trở nên khó dự đoán hơn.

CPI tháng 9-2010 đã và đang đặt ra nhiều thử thách cho công tác điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm, trong đó chủ đề nghị sự chính không có gì khác hơn ngoài vấn đề kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, giả sử nền kinh tế có nỗ lực để duy trì mục tiêu lạm phát khoảng 7-8% thì vẫn chưa đủ căn cứ để thuyết phục dư luận rằng đây là thành công đáng được mong đợi.

Bởi vì so với một số nước có mô hình và hoàn cảnh kinh tế tương tự trong khu vực, CPI của Việt Nam vẫn còn khá cao (theo số liệu tháng 8-2010: Trung Quốc – Hồng Kông khoảng 3% – Malaysia 2,3% – Philippines 4% – Thái Lan 2,9% – Việt Nam: 5,15%).

Mặt khác, kinh nghiệm cho thấy tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam dường như luôn đi trước, đi nhanh hơn mức độ lạm phát thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tác động bất lợi đến thị trường vốn và lãi suất, chưa tạo ra môi trường thuận lợi để giảm dần lãi suất huy động và cho vay dù điều này được xem là một trong những yêu cầu bức xúc của nền kinh tế.

Một trong những lý do chính dẫn đến biến động mạnh chỉ số giá tháng 9 là sự tăng lên đột biến theo kiểu “đến hẹn lại lên” của một số nhóm rổ hàng hóa đặc thù, ví dụ: học phí, đồ dùng thiết bị học tập nhân ngày khai trường; tác động bởi điều chỉnh giá xăng dầu; giá gạo tăng do ảnh hưởng nhu cầu nhập khẩu cao từ châu Phi…

Thực tế này một lần nữa cho thấy cần phải bổ sung chỉ tiêu “lạm phát cơ bản” vào hệ thống chỉ tiêu tính toán chỉ số giá tiêu dùng trong nền kinh tế.

“Lạm phát cơ bản” là chỉ tiêu thể hiện sự thay đổi mức giá mang tính chất lâu dài, góp phần loại bỏ những thay đổi mang tính tạm thời, là công cụ đắc lực giúp ngân hàng trung ương đánh giá đúng đắn hơn về mức độ lạm phát, qua đó có những điều chỉnh phù hợp về mục tiêu chính sách tiền tệ trong tương lai.

Giá cả ổn định sẽ là tiền đề cho các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác ổn định và phát triển. Chỉ tiêu này nên được thông báo công khai theo định kỳ, định hướng dư luận xã hội làm quen dần, tạo ra thái độ đồng thuận cao hơn khi ứng xử với lạm phát.

Cũng xin nhắc lại là chủ đề “lạm phát cơ bản” đã từng được bàn luận sôi nổi trong thời kỳ lạm phát cao và khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng rốt cuộc bị chìm dần vào quên lãng. Bên cạnh đó, cũng cần tiến đến nghiên cứu áp dụng và công bố “Chỉ số tin cậy của người tiêu dùng” như nhiều nước đã làm, phấn đấu xây dựng chuẩn mực thống kê kinh tế thị trường Việt Nam tiệm cận dần chuẩn mực thông lệ quốc tế.

Việc phân tích chỉ số CPI tháng 9-2010 không những cho thấy rõ hơn những khó khăn phức tạp trong hoạt động điều hành giá cả trong thời gian tới, mà còn là cơ hội tốt để gửi thông điệp quan trọng đến các nhà hoạch định chính sách về những vấn đề cần quan tâm trong quá trình kiểm soát lạm phát cho năm 2011 và những năm tiếp theo.

Trước hết, phải xác định cho được tầm nhìn dài hạn và biện pháp đồng bộ trong cơ chế phối hợp kiểm soát lạm phát, từ đó hạn chế đến mức cao nhất những biện pháp đối phó tình huống theo kiểu đơn phương, bị động, bất ngờ hoặc giật cục.

Cần thiết phải đặt ra mục tiêu và lộ trình rõ ràng hơn trong hoạt động quản lý vĩ mô. Sử dụng thuật ngữ quá chung chung “Duy trì lạm phát ở mức một con số” – một thuật ngữ vốn dĩ chứa đựng nhiều sự hoài nghi hơn là sự tin tưởng – dường như mới chỉ chú trọng tạo ra hành lang an toàn cho các cấp quản lý nhiều hơn là bảo vệ tính hiệu quả của nền kinh tế.

Thay vào đó, nên mạnh dạn chuyển sang sử dụng thuật ngữ “Kiểm soát lạm phát ở mức độ tích cực” nhằm xác định rõ thái độ ứng xử chủ động, phòng ngừa sự lây lan tâm lý bất ổn, thiếu lòng tin vào sức mạnh đồng tiền quốc gia.

Khái niệm “lạm phát tích cực” sẽ vừa là nhân tố bôi trơn giúp guồng máy kinh tế hoạt động ở mức tối ưu nhất có thể, vừa có tác dụng tăng cường lòng tin, củng cố sự hưởng ứng tự giác của người tiêu dùng đối với sự phát triển của hệ thống thị trường nội địa, trong đó có thị trường vốn nói riêng. Trên tinh thần đó, nếu được quyền đề xuất, có lẽ mức lạm phát tích cực cho năm tới cần được kiểm soát để không vượt quá là 6%?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới