Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát tiền lương gây sức ép lên doanh nghiệp châu Âu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới doanh nghiệp châu Âu đang chịu sức ép lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát tồi tệ nhất trong bốn thập niên. Nhưng giờ đây, họ lại chuẩn bị đương đầu với một cú sốc mới: lạm phát tiền lương và mối đe dọa đình công ngày càng tăng từ người lao động. Các cuộc đình công liên tiếp xảy ra gần đây tại những tập đoàn lớn ở châu Âu như TotalEnergies, Stellantis và Airbus cho thấy người lao động quyết tâm yêu cầu tăng lương vào năm 2023 để bù đắp sức mua đang bị xói mòn.

Đình công đòi tăng lương diễn ra rầm rộ

Công nhân của một nhà máy lắp ráp máy bay Airbus ở Hamburg, Đức tuần hành trong cuộc đình công đòi tăng lương hôm 1-11. Ảnh: Getty

Chủ đề tiền lương đáng lo ngại đã xuất hiện trong mùa báo cáo lợi nhuận hiện tại, với hầu hết các công ty lớn nhất châu Âu, từ Unilever, Nestlé cho đến L’Oréal, Sodexo và Ahold Delhaize. Điều này cảnh báo giá cả có thể phải tăng thêm vào năm 2023 trong bối cảnh các cuộc đàm phán lương đang diễn ra trong điều kiện thị trường lao động thắt chặt.

Các hoạt động đình công đang diễn ra rầm rộ trên khắp châu Âu, khi người lao động, vốn đang chứng kiến thu nhập thực tế giảm mạnh nhất trong nhiều năm, gây áp lực buộc giới chủ tăng lương cao hơn. Nhân viên của Tập đoàn năng lượng TotalEnergies (Pháp), phi công của hãng hàng không Scandinavian Airlines (Thụy Điển) và công nhân của hãng xe hơi Stellantis (Ý) đã phát động nhiều cuộc đình công trong những tháng gần đây. Cuộc đình công mới nhất của người lao động ngành đường sắt Anh đã bị hủy bỏ ở phút cuối vào tuần trước, nhưng các nhân viên của Công ty bưu chính và chuyển phát nhanh Royal Mail đã lên kế hoạch đình công trong tháng này và tháng tới.

Hôm 7-11, công nhân tại Công ty sản xuất bao bì DS Smith của Anh, nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia như  Amazon, đã bỏ phiếu tổ chức đình công.

Với năng suất lao động gần như không tăng và một số quốc gia trong khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), cũng như Anh, bước vào thời kỳ suy thoái, nhu cầu tăng lương có thể sẽ bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp. Giám đốc điều hành tập đoàn đồ uống và thực phẩm Nestlé Mark Schneider cho biết lương của người lao động là một vấn đề rất quan trọng trong những tháng tới.

Ông nói: “Chúng tôi đang theo dõi điều này rất chặt chẽ. Ở hầu hết các nước, các cuộc đàm phán về tiền lương cho năm 2023 sẽ diễn ra trong suốt mùa đông này và trong quí đầu tiên của năm sau”.

Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng của khu vực eurozone tăng trung bình 10,7%, mức tăng cao nhất trong lich sử, trong khi mức lương của người lao động trong quí 2 chỉ tăng 4,1% so với một năm trước đó. Các công đoàn đang tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa đà tăng lạm phát với tiền lương. Tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao đang tạo lợi thế cho họ trong đàm phán. Trong bối cảnh thị trường việc làm thắt chặt hơn, Melanie Baker, nhà kinh tế cấp cao tại Royal London Asset Management, nói rằng bà “sẽ không ngạc nhiên khi lạm phát tiền lương tăng thêm”.

Nếu điều đó xảy ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sử dụng nhiều nhân viên như Công ty dịch vị thực phẩm Sodexo của Pháp và các nhà bán lẻ như Ahold Delhaize (Hà Lan) sẽ tốn nhiều chi phí hơn để trả lương. Các tập đoàn đa quốc gia như Nestlé và Unilever cũng đang đối mặt với các cuộc đàm phán tiền lương với người lao động ở hầu hết các thị trường của họ.

Vòng xoáy giá cả-tiền lương cản trở nỗ lực chống lạm phát

Tốc độ tăng lương (đường màu đen) chậm hơn tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (đường màu xanh) ở khu vực eurozone. Ảnh: Bloomberg

Các công ty khác cũng đang chật vật giải quyết các vụ đình công. Tuần trước, nhân viên của hãng sản xuất máy bay Airbus SE đã tuần hành ra khỏi một nhà máy lắp ráp ở Bremen, Đức, để yêu cầu  tăng lương 8%. Công đoàn IG Metall (Đức), tổ chức đại diện cho 3,9 triệu công nhân sản xuất, bao gồm công nhân làm việc tại Airbus, lập luận rằng cần tăng lương để giúp người lao động chi trả hóa đơn năng lượng cao hơn, hiện đang tăng 40% ở khu vực eurozone so với năm ngoái. Đáp lại, Hiệp hội chủ sử dụng lao động trong ngành sản xuất  điện tử và kim loại Gesamtmetall, đại diện cho Airbus, Mercedes-Benz và Volkswagen, nói rằng doanh nghiệp không có thêm lợi nhuận để tăng lương.

Chủ tịch Gesamtmetall Stefan Wolf cho biết doanh nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát nên không thể tăng lương trong giai đoạn này. Tuy nhiên, quyết định tăng lương tối thiểu 22%, lên 12 euro/giờ kể từ tháng 10 của chính phủ Đức có thể thúc đẩy các công đoàn hành động mạnh mẽ hơn đồng thời khiến lạm phát tăng hơn nữa trong nền kinh tế rộng lớn hơn.

Nếu giới doanh nghiệp chấp nhận yêu cầu tăng lương, vòng xoáy tiền lương – giá cả sẽ làm phức tạp thêm cho nỗ lực kiểm soát lạm phát của các  ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,75 điểm phần trăm lần thứ hai vào tháng trước và cho biết sẽ xem xét tăng lãi suất tiếp. Ngay cả khi sự gia tăng chi phí vay gây ra một cơn suy thoái kinh tế nhẹ, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng điều đó vẫn chưa đủ để kiềm chế giá cả.

Điều này đặt các doanh nghiệp vào tình thế nan giải. Philippa Sigl-Glöckner, Giám đốc Dezernat Zukunft, một tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại Berlin, nói: “Đối với hầu hết các ngành công nghiệp, nửa đầu năm 2022 thật dễ dàng vì họ có thể chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng”.

Dù các công ty như Unilever đã tăng giá bán với tốc độ kỷ lục, nhưng không phải tất cả các chi phí nguyên vật liệu và hoạt động của họ đều được san hết qua cho người tiêu dùng. Việc tăng giá thêm nữa để duy trì biên lợi nhuận sẽ là một thách thức lớn. Sigl-Glöckner cho rằng nhu cầu toàn cầu đang suy yếu và người tiêu dùng sẽ không chấp nhận doanh nghiệp tăng giá bán lên cao hơn.

Nhưng các công đoàn có thể không “thông cảm” cho khó khăn này sau khi trong năm qua, họ chứng kiến giới doanh nghiệp tăng mạnh giá bán sản phẩm nhưng doanh số bán hàng không bị ảnh hưởng lớn. Maria Demertzis, Phó giám đốc tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel, có trụ sở tại Bỉ, nói: “Bây giờ chúng tôi bắt đầu hiểu được rằng sự dai dẳng của lạm phát đang gây sức ép rất lớn đến việc tăng lương”.

Tăng lương sẽ bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp đã cố gắng chủ động giải quyết vấn đề. Chuỗi siêu thị lớn thứ hai của Anh J Sainsbury đã tăng lương 7,9% trong năm nay đồng thời cung cấp đồ ăn miễn phí và phiếu mua hàng giảm giá cho nhân viên. Và hãng mỹ phẩm L’Oréal của Pháp cho biết họ đang xem xét phê duyệt mức tăng lương cao hơn bình thường.

Nestlé đã tăng lương cho nhân viên sản xuất ở Mỹ. Giám đốc tài chính Francois-Xavier Roger của Nestlé dự đoán lạm phát tiền lương sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn vào đầu năm 2023. Đồng tình với ý kiến đó, Juergen Esser, Giám đốc tài chính của Danone, tập đoàn thực phẩm của Pháp, cho biết lạm phát tiền lương cùng với chi phí năng lượng và giá sữa tăng là một trong những mối quan tâm của Danone.

Unilever đã chi tổng cộng 5,1 tỉ đô la Mỹ để trả lương vào năm ngoái, vì vậy, ngay cả việc tăng lương ở mức nhỏ trên toàn cầu cũng có thể quét sạch hàng trăm triệu euro lợi nhuận của tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh này. Kể từ năm 2020, Unilever đã trả cho tất cả 148.000 nhân viên của mình “mức lương đủ sống”, được xác định là thu nhập đủ để có mức sống khá tại địa phương, và cam kết đáp ứng tiêu chuẩn đó cho 54.000 nhà cung cấp vào năm 2030.

Rủi ro lạm phát tiền lương đặc biệt cao đối với nhà cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp bao gồm hai công ty dịch vụ thực phẩm khổng lồ Sodexo và Compass. Vào năm ngoái, Compass, có trụ sở tại Anh, đã chi 9,3 tỉ bảng cho chi phí nhân viên nhưng lợi nhuận chỉ đạt 357 triệu bảng. Điều này cho thấy việc tăng lương đáng kể có thể bào mòn lợi nhuận của Compass.

Với lạm phát vẫn tăng, các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực lớn hơn bao giờ hết trong việc giảm chi tiêu. Nhưng việc trì hoãn tăng lương có thể gây ra tác dụng ngược vì người lao động sẽ bất mãn và tổ chức nhiều cuộc đình công hơn.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới