Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Làm sạch” thị trường phân bón không dễ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Làm sạch” thị trường phân bón không dễ

Mua bán phân bón tại một đại lý ở Cà Mau -Ảnh: Nguyễn Trường

(TBKTSG Online) – Chiều ngày 16-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp bàn giải pháp “làm sạch” thị trường phân bón đối phó với nạn phân bón giả, phân kém chất lượng đang làm nông dân điêu đứng.

Trước đó, tại hội nghị phân bón tổ chức vào ngày 10-9 tại TPHCM, các nhà máy phân bón hội viên đã nói lên nhiều bức xúc trước thực trạng phân bón giả, phân kém chất lượng đang “giết” dần nền nông nghiệp, cũng như gây vạ lây cho các nhà máy phân bón làm ăn nghiêm túc. 

Mua giá cao nhưng trúng hàng dỏm  

Sau cơn sốt gạo vào cuối tháng 4 là cơn sốt phân bón vào tháng 5 và kéo dài tới nay mà không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.  

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, cho biết từ năm ngoái đến tháng 9 năm nay, các loại phân bón như u rê, DAP, kali… lần đầu tiên trong 35 năm qua đồng loạt tăng giá liên tục. Nhiều loại phân bón tăng giá chóng mặt, 50-70% trong vòng vài tháng.

Tính đến nay, giá phân u rê nhập khẩu tăng đến 201-210% so với đầu năm 2007, phân DAP tăng 351-356%. Đây là hai loại phân thiết yếu cho năng suất lúa.

Hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Nhiều cơ sở sản xuất phân bón quy mô nhỏ, với thiết bị thô sơ, đã lợi dụng tình hình sốt giá phân bón để sản xuất phân giả, phân kém chất lượng bán với giá rẻ.

Hiệp hội đánh giá, tuy khối lượng phân bón kém chất lượng không vượt quá 5% tổng lượng phân bón đang sử dụng nhưng đã gây ra thiệt hại lớn cho người nông dân, làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường phân bón trong nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết tháng 8, cả nước đã có 61 cơ sở, công ty sản xuất phân NPK, phân hữu cơ có sản xuất phân giả, kém chất lượng, trong đó hơn 80% thuộc về nhóm NPK. Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan kiểm định chất lượng của các bộ ngành, địa phương lại không đủ nhân lực cũng như chế tài để “làm sạch” thị trường phân bón.

“Nông dân mua phải phân bón kém chất lượng, phân giả thì không chỉ đơn thuần mất tiền như hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà sản phẩm thu hoạch bị mất trắng sau nhiều tháng canh tác, còn có thể bị ảnh hưởng dây chuyền đến cả vụ sau”, ông Thúy nói.

Tại tỉnh Đồng Tháp, khi các cơ quan chức năng lấy ngẫu nhiên 14 mẫu phân bón thì kết quả có 11/14 mẫu chất lượng không đạt mức công bố (doanh nghiệp phân bón tự công bố chất lượng nhưng phải phù hợp tiêu chuẩn ngành của phân bón). Còn tại Vĩnh Long thì nghiêm trọng hơn khi 7 mẫu đưa đi giám định thì cả 7 mẫu đều cho chất lượng kém. Trong 250 mẫu phân của 54 công ty sản xuất phân bón được lấy mẫu tại thị trường Lâm Đồng, có tới 36% số mẫu không đạt chất lượng công bố.

Theo ông Phạm Quang Viễn, Cục Phó Cục Quản lý thị trường, trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 200 đợt kiểm tra trên cả nước, thu giữ trên 2.000 tấn phân các loại nhưng vẫn không giải quyết được cốt lõi của vấn đề. Theo ông Viễn, khoảng 40-50% số mẫu phân bón thu được khi kiểm tra đều có chất lượng thấp hơn mức đã công bố của doanh nghiệp.

4 bộ quản lý phân bón  

Nông dân khó có thể phân biệt phân bón nào không đúng chất lượng công bố -Ảnh: Hoàng Vũ.

Chuyện phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã có từ khá lâu, nay bùng phát mạnh vì giá phân quá cao. Vấn đề đặt ra là có những bất cập, trùng lắp trong quản lý nhà nước về phân bón.

Hiện có tới 4 bộ ngành đang cùng tham gia quản lý phân bón. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về phân hữu cơ, Bộ Công nghiệp cũ (nay là Bộ Công Thương) quản lý phân bón vô cơ (do các nhà máy sản xuất phân vô cơ trước đây thuộc Bộ Công nghiệp), Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cấp phép đầu tư các dự án sản xuất phân bón.

Các cơ quan chức năng nếu phát hiện phân kém chất lượng thì chỉ phạt 12-15 triệu đồng/lần, mức phạt quá thấp không đủ sức răn đe.

Từ lâu, có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng có thể công bố các công ty sản xuất phân bón kém chất lượng, phân giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc công khai danh tánh của những doanh nghiệp làm hàng dỏm không hề đơn giản.

Thanh tra viên của một Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở phía Nam cho biết hai lực lượng chính “hậu kiểm” thị trường phân bón hiện nay là quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành nông nghiệp. Nếu nghi ngờ phân giả, phân kém chất lượng, các cơ quan này thường lấy mẫu gửi cho chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của tỉnh để phân tích, vì chỉ có nơi này mới có đủ điều kiện máy móc thiết bị.

Sau đó cơ quan kiểm tra mới ra quyết định xử phạt nếu có kết quả là phân kém chất lượng. “Chỉ phạt thôi chứ nếu công khai danh tánh của họ, họ đòi phân tích ở một nơi khác cho ra kết quả khác thì rắc rối kiện thưa ”, vị thanh tra này giải thích.

Mãi tới tháng 8 năm nay, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã phát hiện 16 mẫu phân kém chất lượng và 10 mẫu phân bón nằm ngoài danh mục (cấm kinh doanh) đang được lưu hành trên địa bàn tỉnh này và đã công bố 14 công ty sản xuất và cung ứng các loại phân kém chất lượng này trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp hội viên đã đề nghị hiệp hội trong lúc chờ Chính phủ xây dựng pháp lệnh riêng về sản xuất, kinh doanh phân bón thì hiệp hội nên công khai danh tánh các doanh nghiệp sản xuất phân kém chất lượng trên các phương tiện truyền thông, ngõ hầu giúp nông dân nhận biết được ai làm hàng dỏm, nhãn hiệu nào dỏm.

Thực tế không dễ vì có một trường hợp “nhãn tiền”. Một cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng công bố danh tánh một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có chứa hoóc môn kích thích tăng trưởng bị cấm, sau đó đã bị các công ty này khiếu nại, hành cơ quan kiểm tra nhà nước này trong cuộc đấu kết quả phân tích ai đúng ai sai.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới