Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm sao cứu một dòng sông?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm sao cứu một dòng sông?

Sông Citarum gần thủ đô Jakarta đã biến thành một bãi rác di động

(TBKTSG)- Kinh nghiệm và thách thức của Indonesia trong công cuộc khôi phục môi trường sông Citarum gần thủ đô Jakarta.

Sông Citarum, chảy qua những cánh đồng lúa và những thành phố lớn nhất Indonesia, đã thật sự “qua đời”. Chưa nhìn thấy bờ sông, du khách đã nghe mùi thối. Vẫn còn vài ngư dân kiếm sống trên dòng nước bẩn thỉu nhưng nhiều người đã không còn buông lưới ở đó. Thay vì câu cá, họ bơi thuyền len lỏi qua những đống rác bập bềnh, tìm những chiếc vỏ xe cũ và những đồ phế thải có thể bán lấy tiền.

Dòng sông từng bị các nhà môi trường coi là dòng sông ô nhiễm nhất thế giới là một phần không thể thay thế trong cuộc sống của người dân vùng Tây đảo Java. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sông Citarum cung cấp 80% lượng nước sinh hoạt cho 14 triệu dân thủ đô Jakarta, tưới cho những cánh đồng làm ra 5% sản lượng lúa gạo và là nguồn nước cho hơn 2.000 nhà máy – nơi làm ra 20% sản lượng công nghiệp của đảo quốc này.

Nhưng giờ đây mọi người đều coi sông Citarum như một bãi rác di động, nơi chứa các hóa chất độc hại do các nhà máy xả ra, thuốc trừ sâu trôi theo dòng nước từ các cánh đồng và cả chất thải do con người đổ xuống. Bà Sutri, chủ một quán ăn nhỏ ở ngoại ô Jakarta, than thở: “Tôi biết nước sông có chất độc nhưng tôi chẳng còn nơi nào khác để lấy nước”. Cũng như nhiều người dân trong vùng, bà Sutri rửa chén bát, giặt giũ áo quần và tắm rửa cho bọn trẻ ngay trong dòng nước ngầu đục.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh và hỗn loạn, cùng với công cuộc đô thị hóa hai mươi năm qua là nguyên nhân chính gây ô nhiễm lưu vực sông Citarum rộng 13.000 ki lô mét vuông. Thảm họa môi trường cũng đã phải trả giá bằng sinh mạng con người, các thành phố hai bên bờ sông Citarum thường xuyên bị ngập lụt do dòng chảy của con sông bị tắc nghẽn bởi những núi rác.

*   *   *

Tình hình đã nghiêm trọng tới mức ADB cùng với Chính phủ Indonesia phải tiến hành một dự án làm sạch dòng sông trên diện rộng và tái định cư người dân ven sông. Đầu tháng 12 vừa qua, ADB cam kết cho Indonesia vay 500 triệu đô la Mỹ để thực hiện dự án trong 15 năm.

Dự án đặt ra mục tiêu xây dựng những nhà máy xử lý để làm sạch nước thải đổ ra từ hàng triệu hộ gia đình trong vùng thủ đô Jakarta, xây dựng các con đập để cung cấp thêm nước cho những cộng đồng dân cư đang tăng trưởng như Bandung – thành phố lớn thứ tư của Indonesia – và làm sạch nước sông để cư dân bên bờ sông, kể cả ngư dân, có thể sử dụng nguồn nước. Ngoài ra, dự án còn phát động trồng rừng trên các dải đất trống trong lưu vực để chống xói mòn và lở đất – một trong những nguyên nhân làm tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập lụt ở Bandung, Jakarta và nhiều nơi khác.

Khoản tiền 50 triệu đô la đầu tiên trong dự án sẽ được dùng làm sạch con kênh West Tarum mang nước sông Citarum về thủ đô Jakarta. Lâu nay, vì lý do sức khỏe, dân chúng thủ đô ít khi dùng nước máy để ăn uống mà dùng nước đóng chai.

*   *   *

Nhưng mặc dù món vay đã bắt đầu được giải ngân, dự án Citarum vẫn bị các nhóm dân sự địa phương chống đối. Họ sợ chính phủ vay nợ quá nhiều, dự án thiếu những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho người nghèo được hưởng lợi tương xứng và lo ngại tiền vay sẽ rơi vào túi các quan chức tham nhũng.

“Tiền vay sẽ bị thất thoát vì tham nhũng; nông dân sẽ bị gạt ra ngoài vì mục tiêu của dự án dường như là để phục vụ cư dân thủ đô Jakarta chứ không phải là cư dân địa phương bên bờ sông”, Nugraha, 30 tuổi, một người hoạt động cộng đồng đã tham gia làm sạch vùng ngoại ô Jakarta, cho biết.

Bất đồng ý kiến không phải là điều khó hiểu dù ai cũng công nhận nhu cầu thiết yếu phải thay đổi. Cũng như những “trận chiến nước sạch” ở Mỹ và nhiều nơi khác, dự án làm sạch sông Citarum có thể biến thành một cuộc tranh chấp dai dẳng liên quan tới những bài toán phức tạp về phân chia quyền lợi, phát triển kinh tế và bảo vệ môi sinh. Đưa ra một kế hoạch thỏa mãn được nhu cầu của tất cả các bên liên quan là một việc vô cùng khó.

Christopher Morris, kỹ sư về nguồn nước làm việc cho ADB, nói rằng dự án sẽ làm lợi cho tất cả mọi người sử dụng dòng sông nhưng không phải mọi thành phần của dự án đều được thực hiện nhanh chóng. “Thay đổi hành vi của một cộng đồng đòi hỏi phải có kế hoạch cẩn thận và chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông nói.

Phần rủi ro nhất của dự án là làm thế nào thu hút được nhiều người chấp nhận thay đổi. Xung đột có thể bùng ra chung quanh vấn đề phân phối lượng nước giữa những người nông dân dùng nước sông để tưới ruộng và cư dân thành phố dùng nước để sinh hoạt. Vận động nông dân sử dụng phương pháp tưới tiêu hiệu quả hơn để dành nước cho người khác là một thách thức lớn.

Giải pháp mà Chính phủ Indonesia và ADB theo đuổi là thành lập một “hội đồng nước”, trong đó một nửa số thành viên là đại diện các cơ quan công quyền, nửa còn lại đại diện các cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Nhưng vẫn chưa rõ phạm vi quyền lực của hội đồng này là gì vì ngay những cấp chính quyền khác nhau đã có ý kiến khác nhau về việc phân phối nguồn nước. Một mối quan tâm đặc biệt nữa của các nhà hoạt động cộng đồng là “hội đồng nước” có thể bị khuynh đảo để trở thành một kênh cung cấp tài chính mới cho các hoạt động tham nhũng.

Ông Morris cho rằng, không phải ADB không nhìn thấy nguy cơ đồng tiền dự án sẽ bị sử dụng sai trái nhưng theo ông, đó là lý do tại sao ADB giải ngân khoản tiền vay theo nhiều đợt, kéo dài nhiều năm, căn cứ trên thành quả từng giai đoạn. “Cốt lõi là cung cấp tiền cho chính phủ theo một phương cách hiệu quả. Nó cũng cho phép chúng tôi triển khai một số biện pháp phòng vệ, một số chính sách chống tham nhũng mà ADB ủng hộ”, ông Morris giải thích.

THÁI BÌNH (Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới