Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm sao đánh giá công chức cho chính xác?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm sao đánh giá công chức cho chính xác?

Trung Hiếu

(TBKTSG) – Mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng có vẻ xôn xao và tỏ ra khó hiểu về kết quả bước đầu đánh giá chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ công chức trên cả nước, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ công bố rằng chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ!

Những khó hiểu và không đồng tình về đánh giá này ít nhất là có cơ sở khi từ nhiều năm nay, cả xã hội đều biết và thấy rõ sự yếu kém của đội ngũ công chức trong thực thi công vụ, số lượng công chức phình to không ngừng trong khi hiệu quả giải quyết công việc và thủ tục hành chính cho nhân dân thì có chiều hướng giảm, mặc dù đã và đang thực hiện rất nhiều đề án cải cách thủ tục hành chính. Ngay chính nhiều cán bộ cấp cao và thậm chí cả Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định trên nhiều diễn đàn, tại nhiều hội nghị rằng có tới 30% công chức có cũng được, không có cũng không sao, chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Tất nhiên, sự đánh giá đó chỉ có tính ước lượng, nhưng ít nhất cũng đúng phần nào bởi những cán bộ có trách nhiệm đã và đang sống trong môi trường đó và cảm nhận rất rõ về hiệu quả của những cán bộ đồng nghiệp, cấp dưới của mình. Cơ quan nhà nước hiện nay đã trở thành “điểm đến mơ ước” của nhiều người, đặc biệt là những người thiếu năng lực, trình độ, con ông cháu cha, bởi chỉ cần làm việc “lơi khơi” mà vẫn đều đặn nhận lương hàng tháng, chính vì vậy đã có những cuộc chạy đua khá tốn kém để được một suất vào biên chế.

Ngược lại, những người có năng lực, trình độ thì không mặn mà với công việc trong cơ quan nhà nước. Chính vì vậy không thể khẳng định chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ngày càng được nâng cao và càng không thể đưa ra con số 1% không hoàn thành nhiệm vụ một cách mơ hồ, chung chung, thiếu cơ sở như của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là chúng ta chưa có cơ chế, hình thức cụ thể để đánh giá hiệu quả công tác của đội ngũ công chức. Công việc của các cơ quan nhà nước vốn rất chung chung và không quy trách nhiệm cụ thể đối với từng nhiệm vụ, cái mà hiện nay các doanh nghiệp thực hiện rất tốt đối với đánh giá nhân viên khi gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận, doanh số… Ngay cả khái niệm “không hoàn thành nhiệm vụ” trong đánh giá công chức cũng chưa đem lại biện pháp xử lý kỷ luật nào triệt để thanh lọc ra khỏi cơ quan, cao nhất chỉ đưa vào diện chậm lên lương một năm!

Vậy ai phải chịu trách nhiệm đối với những tồn tại và bất cập này. Rõ ràng, Bộ Nội vụ không thể thoái thác trách nhiệm trong việc chưa đưa ra được cơ chế đánh giá hiệu quả cán bộ công chức, và điều này sẽ còn tồn tại dài dài chừng nào còn kiểu ngồi phòng máy lạnh nhận báo cáo từ cơ sở. Không dứt khoát sàng lọc đội ngũ công chức thiếu năng lực, trình độ ra khỏi các cơ quan nhà nước và không nhanh chóng xây dựng được cơ chế đánh giá công chức và cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ thì không thể hướng tới một nền công vụ hiệu quả.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới