Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm sao để nông dân không “bẻ kèo” ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm sao để nông dân không “bẻ kèo” ?

Ngọc Hùng thực hiện

(TBKTSG Online) – Hiện các tỉnh phía Nam có khoảng 80.000 héc ta lúa sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, theo đó, lúa sau khi thu hoạch sẽ được doanh nghiệp mua theo giá đã ký trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong thời gian qua số nông dân “bẻ kèo” để bán cho thương lái với giá cao hơn hợp đồng đã ký với doanh nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều.

>>> Kho chứa lúa gạo vừa thừa lại vừa thiếu

>>> VFA hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo

>>> Xuất khẩu gạo thơm tăng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về vấn đề trên bên lề hội thảo về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 17-9  tại TPHCM.

TBKTSG Online: Trong thời gian qua, trong mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có hiện tượng người dân sau khi thu hoạch lúa thay vì bán cho doanh nghiệp với giá ghi trong hợp đồng thì lại bán cho thương lái với giá cao hơn. Nguyên nhân của vấn đề là gì và phải chăng, do doanh nghiệp nghĩ rằng đã bỏ ra nhiều chi phí cho cánh đồng mẫu lớn nên mua với mức giá thấp hơn thị trường?

Làm sao để nông dân không “bẻ kèo” ?
Bà Võ Thị Thu Hà. Ảnh: NH

Bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH XNK và TM Võ Thu Thị Hà (Đồng Tháp)

– Chuyện người dân "bẻ kèo" không bán lúa cho doanh nghiệp mà bán cho thương lái đó là một điều đáng tiếc. Với công ty chúng tôi, trong năm 2012 đã xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo, chiếm gần 1/7 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, do đó, để đảm bảo nguồn hàng ổn định, chúng tôi luôn cam kết mua cao hơn giá của thương lái khoảng 200 đồng/kg.

Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn, chuyện nông dân "bẻ kèo" bán lúa cho thương lái là không thể tránh khỏi.Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, cách tốt nhất là phải nói cho người dân hiểu và thông cảm cho những khó khăn của doanh nghiệp, qua đó, cũng để người dân hiểu rằng làm ăn với doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn là lâu dài còn thương lái khi cần thì mua giá cao, còn không cần sẽ tìm cách hạ giá xuống.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong

Ông Trương Thanh Phong. Ảnh: NH

– Đúng là đã có hiện tượng đó (nông dân bán lúa cho thương lái) xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề không phải là do doanh nghiệp mua với giá thấp hơn thị trường. Qua tìm hiểu tôi biết được nguyên nhân là do một số doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng lớn cần phải giao ngay nhưng trong kho lại thiếu hụt một lượng gạo nhất định. Vì thế, họ thông qua thương lái để đẩy giá lên cao hơn khoảng vài trăm đồng/kg nhằm gom đủ số lượng hàng cần thiết, sau khi đủ số lượng họ lại trở về mức giá thấp hơn hoặc tương đương với thị trường.

Khi một số doanh nghiệp hội viên báo lại với hiệp hội vấn đề này, tôi có nói với doanh nghiệp là thông cảm cho người dân vốn có tâm lý họ cứ thấy giá cao hơn là bán nên không cần phải làm khó người dân trong chuyện này.

Ông Phạm Văn Dư. Ảnh: NH

Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt

– Theo tôi biết, sở dĩ có hiện tượng "bẻ kèo" của người dân không phải do doanh nghiệp lấy cớ là đã có công tạo ra cánh đồng mẫu lớn rồi nên mua giá thấp hơn thị trường.

Đa phần doanh nghiệp thường ký hợp đồng vào đầu vụ, lúc này, doanh nghiệp căn cứ trên giá thị trường vào thời điểm đó để đưa ra mức giá sẽ mua lúa của người dân. Tuy nhiên, vào thời điểm thu hoạch, không may giá lúa trên thị trường cao hơn lúc đầu vụ nên mới có hiện tượng một số hộ dân quay sang bán cho thương lái với mức giá cao hơn.

Ngoài ra, cũng có thể mức giá trong hợp đồng được doanh nghiệp căn cứ trên giá sản xuất một kí lô gam lúa cộng thêm mức lợi nhuận tối thiếu khoảng 30%. Doanh nghiệp sau khi tính toán giá thành và cộng thêm mức lợi nhuận tối thiểu 30% để chốt giá mua lúa là dựa trên chính sách mua tạm trữ của Chính phủ trước đây để làm theo.

Bên cạnh đó, có thể do sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, chi phí sản xuất thấp hơn thông thường nên khi cộng thêm mức lợi nhuận tối thiểu 30% khiến giá bán lúa thấp hơn thị trường.

Theo tôi, cách giải quyết tốt nhất là doanh nghiệp và người dân ngồi lại với nhau, sau đó cùng thống nhất mỗi bên chịu thiệt 50% số tiền chênh lệch giữa giá trong hợp đồng và của thương lái vào thời điểm đó. Tức là, nếu giá của thương lái cao hơn giá trong hợp đồng 200 đồng/kg thì doanh nghiệp sẽ trả thêm 100 đồng/kg cho người dân, còn người dân phải chịu thiệt 100 đồng/kg có như vậy, mới có thể làm ăn lâu dài được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới