Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm sao để biết thuế có điều tiết hợp lý?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm sao để biết thuế có điều tiết hợp lý?

Khánh Bình

(TBKTSG) – Một trong những vai trò quan trọng của thuế là đảm bảo công bằng xã hội, thông qua việc điều tiết chênh lệch thu nhập giữa nhóm cao và nhóm thấp. Nhưng nếu chỉ nhìn vào thuế thu nhập cá nhân mà không nhìn hệ thống thuế một cách tổng thể thì khó mà biết được sự điều tiết của thuế là có hợp lý hay không.

Vì sao có những nước thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cao nhưng người dân vẫn đồng thuận với chính phủ, là nơi sống và làm việc mơ ước của rất nhiều người trên khắp thế giới. Trong khi đó, có những nước tưởng chừng thuế TNCN không cao, nhưng cuộc sống của những người có thu nhập vừa và thấp ngày càng chật vật hơn?

Có lẽ ai cũng biết các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí luôn là phần thu chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngân sách của các chính phủ. Trong số này, có ba loại thuế quan trọng là thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), và thuế TNCN.

Sự thay đổi tỷ trọng của ba loại thuế này là một ẩn số để biết được nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội có được “chia sẻ” như mục đích tốt đẹp của thuế hay không.

Có một thực tế là nhóm có thu nhập cao hay giàu chiếm số lượng ít hơn nhiều so với nhóm có thu nhập vừa và thấp, nhưng lại là nhóm có tác động đến các chính sách nhiều hơn.

Trong trường hợp tỷ trọng của thuế TNCN trong tổng thu từ thuế thấp (như Việt Nam dự toán cho năm 2021 là 10%), thì gánh nặng thường sẽ được chuyển sang thuế GTGT, mà loại thuế này thì người thu nhập thấp nếu tiêu dùng cũng phải đóng. Vấn đề tiếp theo ở đây là những hàng hóa, dịch vụ nào phải chịu thuế GTGT và thuế suất là bao nhiêu.

Có những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cơ bản mà phải chịu thuế suất GTGT, thay vì 0% và được bù đắp bởi thuế GTGT từ những hàng hóa, dịch vụ thường chỉ dành cho người có thu nhập cao, thì rõ ràng nhóm người thu nhập thấp không hề được “chia sẻ” chút nào.

Rất nhiều người trong nhóm có thu nhập thấp, không thuộc diện đóng thuế TNCN không biết rằng mình vẫn phải đóng thuế qua tiêu dùng hàng ngày, trực tiếp như thuế GTGT, và gián tiếp là các loại thuế đã được tính vào giá bán của hàng hóa, dịch vụ. Lấy ví dụ như khi mua một ký gạo, một lít nước mắm, một mét khối nước dùng, một Kwh điện, một lít xăng… thì người dân cũng đã đóng thuế rồi.

Còn với trường hợp tỷ trọng thuế TNCN cao (hầu hết các nước phát triển đều có tỷ lệ này trên 30%, cá biệt như Đan Mạch năm 2019 là 52,38%), vấn đề còn nằm ở chỗ thu nhập chịu thuế và các bậc thuế. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết được có khoảng 55% hộ gia đình ở Pháp không nằm trong diện đóng thuế TNCN.

Bởi vì thu nhập chịu thuế ở đây bắt đầu từ 10.064 euro/phần/năm (ví dụ như hai vợ chồng có hai con nhỏ được tính là ba phần) với thuế suất lũy tiến là 11% cho khung đầu tiên từ 10.064-25.659 euro, khung cuối cùng là bậc 5 có thuế suất 45% cho thu nhập từ 157.806 euro trở lên. Như vậy, số bậc thuế thấp, thuế suất chênh lệch và khởi điểm chịu thuế cao sẽ thực sự là sự chia sẻ của nhóm thu nhập cao cho nhóm có thu nhập thấp.

Số bậc thuế thấp, thuế suất chênh lệch và khởi điểm chịu thuế cao sẽ thực sự là sự chia sẻ của nhóm thu nhập cao cho nhóm có thu nhập thấp.

Nhưng ẩn số thứ hai cũng không kém phần quan trọng trong việc đánh giá sự điều tiết thuế có hợp lý hay không là mức đóng các khoản bắt buộc tính theo tiền lương (cũng được coi là một dạng thuế trên tiền lương, gồm bảo hiểm xã hội và các khoản đóng khác tùy quốc gia), và các chế độ an sinh xã hội được chính phủ cung cấp.

Ở một số nước, tỷ lệ các khoản đóng bắt buộc tính theo lương của người lao động là rất cao, như trung bình của các nước trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 36%, có một số nước cao hơn 45% như Pháp, Áo, Ý, Đức, và Bỉ là 52%. Nhưng đổi lại, các chế độ bảo hiểm xã hội và rộng hơn là an sinh xã hội ở các nước này rất tốt. Chẳng hạn các chi phí y tế, thuốc men cơ bản đều được miễn phí, giáo dục công lập rất rẻ và hầu như miễn phí, và những người yếu thế trong xã hội có những trợ cấp rất tốt.

Vì sự minh bạch của chính phủ, các chế độ an sinh tốt để người dân không phải tự xoay xở tích cóp, lo nghĩ nhiều khi chẳng may có rủi ro xảy ra nên thuế tính trên lương hay thuế TNCN dù cao thì người dân vẫn hài lòng với cuộc sống của mình, vì bản thân và gia đình được đảm bảo, hơn thế nữa là sự chia sẻ với những người khó khăn hơn trong xã hội.

Việc ban hành hay điều chỉnh các chính sách thuế không bao giờ là đơn giản, vì nghiêng về nhóm này thì sẽ thiệt cho nhóm khác. Có một thực tế là nhóm có thu nhập cao hay giàu chiếm số lượng ít hơn nhiều so với nhóm có thu nhập vừa và thấp, nhưng lại là nhóm có tác động đến các chính sách nhiều hơn.

Một bộ phận lớn nhóm có thu nhâp cao, thường là nhóm có trình độ học vấn cao, nghề nghiệp tốt, sẽ sẵng sàng chia sẻ với nhóm có thu nhập thấp nếu họ thấy từng đồng tiền thuế của họ được sử dụng chính đáng. Nếu không, người có thu nhập thấp trong xã hội sẽ chịu gánh nặng thuế nhiều hơn (tính theo phần trăm thu nhập và mức tiết kiệm ròng).

Vì vậy, để thuế thực sự là một công cụ điều tiết thu nhập thì các chính phủ cần cân bằng tổng thể ba loại thuế quan trọng, hướng đến thuế GTGT và thuế TNCN mà phần gánh chịu của nhóm thu nhập cao sẽ nhiều hơn. Thuế TNDN và thuế tài sản của những người giàu cũng là một tấm đệm trong việc giảm thuế cho người có thu nhập thấp, nhưng cũng cần cân nhắc những hiệu ứng phụ khi thuế TNDN cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và người giàu sẽ chọn khai thuế ở một đất nước khác. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới