Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm sao hết tình trạng trúng mùa, mất giá?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm sao hết tình trạng trúng mùa, mất giá?

Trần Văn Xứ Em

(TBKTSG) – Cái “điệp khúc” trúng mùa, mất giá vốn đã diễn ra từ nhiều năm nay với bà con nông dân. Người ta đã bàn nhiều biện pháp, cách thức để hạn chế thực trạng này nhưng xem ra, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Và mới đây nhất, bà con nông dân nuôi cá rô đầu vuông ở tỉnh Hậu Giang đã phải đối mặt với thực tế đó. Nông dân được mùa cá nhưng đang “khóc đứng, khóc ngồi” vì giá thành nuôi một ki lô gam cá là 22.000 đồng, nhưng chỉ bán được với giá 18.000 – 19.000 đồng/ki lô gam. Mặc dù trúng mùa cá nhưng người nuôi vẫn lỗ nặng, trung bình 1 héc ta nuôi cá bị lỗ cả trăm triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân này, một nông dân nuôi cá cho biết, do quá nhiều người đổ xô nuôi cá nên giá cá giảm rất mạnh. Một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng thời gian qua, người dân địa phương thấy nuôi cá rô đầu vuông lợi nhuận cao nên tìm mọi cách để nuôi, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng về thị trường tiêu thụ. Nếu năm 2009 chỉ khoảng vài chục hộ nuôi với diện tích không đáng kể, thì nay diện tích nuôi cá rô đầu vuông tại Hậu Giang đã tăng lên gần 300 héc ta. Bài học “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào” này đã từng xảy ra với các phong trào nuôi chim cút, nuôi gà,… ở nhiều địa phương chứ không riêng ở Hậu Giang.

Phải làm gì để nông dân không phải rơi vào tình cảnh “trúng mùa, mất giá”? Theo tôi, nếu thật sự giá rớt là do cung vượt quá cầu thì cần xem lại hiệu quả của các kênh thông tin truyền thông. Hiện nay, sóng phát thanh, truyền hình quốc gia đã phủ trên toàn quốc, chưa kể mỗi tỉnh, thành đều có các cơ quan báo chí xuất bản, phát thanh, truyền hình thì không lý gì lại để người dân bị “đói” thông tin, dẫn đến tình trạng không cân đối được đầu ra để sản phẩm nhiều đến mức… dội chợ.

Không thể trách người dân hay “chạy” theo phong trào. Mô hình nào làm ăn có hiệu quả, người dân hưởng ứng là chuyện đương nhiên. Vì thế, giải pháp tốt nhất có lẽ là phối hợp cung cấp thông tin đến người dân một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Hiện nhiều nơi ở Hậu Giang cũng đang “nở rộ” phong trào trồng lan cắt cành, nuôi nhím, gà sao… Đừng để người dân phải đối mặt với kết cục trớ trêu “làm càng nhiều, khóc càng to”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới