Làm sao xóa bỏ các bất hợp lý?
Phạm Trí Dũng
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) – Người ta thường nói những gì hợp lý thì tồn tại, những gì còn tồn tại thì hợp lý! Trên thực tế, có những việc vừa hợp lý mà lại vừa bất hợp lý, thậm chí trái khoáy.
Bởi vì nó bất hợp lý với nhóm người này, nhưng nó lại rất “hợp lý” với nhóm người khác! Và vì vậy, chúng ta luôn phải sống chung với những trái khoáy dai dẳng nếu chúng vẫn được một số người (đủ quyền lực) ủng hộ, duy trì và cho là hợp lý.
Chỉ có điều, mọi người đều phải thừa nhận rằng, nếu một xã hội có nhiều nhóm lợi ích sống nhờ vào các bất hợp lý đối với những nhóm khác thì xã hội đó sẽ có nhiều xung đột và chậm phát triển.
Ai cũng thấy xung quanh mình còn quá nhiều những điều trái khoáy đang tồn tại dai dẳng, cho dù chúng đã được các phương tiện truyền thông nêu và phê phán rất nhiều. Có thể liệt kê dưới đây một vài điều trái khoáy được nhắc đến nhiều nhất.
– Làm đường hôm trước, đào đường hôm sau: Những con đường nội thị vừa được trải nhựa phẳng lỳ, mấy hôm sau đã có người đến đào lên, thậm chí đào liên tục quanh năm, người đi đường phải chấp nhận hít bụi mù mịt, còn con đường thì trở lại cũ nát, gồ ghề như cũ!
Bất hợp lý này lại là điều “rất hợp lý” đối với những nhóm lợi ích sống nhờ vào việc làm đường thiếu tiêu chuẩn (thiếu hào, cống…) hoặc sống nhờ vào việc đào bới, vá đi vá lại các con đường!
– Những con đường đắt nhất thế giới lại xấu xí nhất và được làm lâu nhất: Nhà nước luôn phải bỏ những khoản tiền cực lớn để đền bù khi mở đường, xây dựng hạ tầng, còn một số cá nhân “may mắn” bỗng nhiên thu lợi nhờ ra “mặt tiền” với giá trị mảnh đất tăng gấp hàng chục lần, cho dù có người chỉ đủ xây những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, xấu xí.
Tại sao ai cũng biết Nhà nước có thể thu lại được những khoản tiền lớn nhờ cách giải tỏa rộng hai bên và bán đấu giá lại đất hai bên ven đường để xây siêu thị, văn phòng, nhà cao tầng nhưng không thể thực hiện?
Trung Quốc chỉ cần 15 năm để xây dựng một hệ thống cầu đường đô thị phát triển, hiện đại tại Bắc Kinh nhờ thực hiện điều đó. Còn ta sao không thể? Bởi vì đây cũng là điều “rất hợp lý” đối với những nhóm lợi ích sống nhờ vào việc đầu cơ đất “sẽ ra mặt tiền”, hoặc sống nhờ vào việc mua bán thông tin giải tỏa làm đường…!
– Giá thuốc chữa bệnh và giá sữa luôn ở trên trời: Thay vì ép doanh nghiệp niêm yết giá bán (một cách làm thời bao cấp), tại sao ta không thể công bố thường xuyên thông tin giá nhập khẩu bình quân hàng tuần đối với các mặt hàng thuộc diện phải quản lý giá trên trang web của cơ quan quản lý (dựa trên kho dữ liệu của hải quan) và hướng dẫn người dân tra cứu để họ tự quyết định mức giá chấp nhận?
– Phát triển các ngành công nghiệp bằng cách “xây dựng các nhà máy” chứ không “xây dựng các thị trường”: Một đúc kết nổi tiếng của nhà kinh tế học Paul G. Hoffman là: “Có một ảo tưởng cho rằng có thể công nghiệp hóa một đất nước bằng cách xây dựng các nhà máy. Thật ra người ta không làm như thế. Chỉ có thể công nghiệp hóa một đất nước bằng cách xây dựng các thị trường mà thôi”.
Xây dựng thị trường chính là xây dựng hệ thống luật pháp, hệ thống các điều kiện thuận lợi cho việc cạnh tranh và tiêu dùng các sản phẩm của ngành công nghiệp. Vậy tại sao việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô hiện nay lại dựa trên các “cam kết” gia tăng tỷ lệ nội địa hóa “dần dần” của các nhà sản xuất thay vì lẽ ra phải gắn với chiến lược phát triển hạ tầng giao thông (xây dựng thị trường nội địa) hoặc chiến lược về tiêu chuẩn công nghiệp (đáp ứng thị trường xuất khẩu)? Rõ ràng là có những thế lực, những nhóm lợi ích đã thấy ở đây sự “hợp lý” riêng theo cách của họ.
Những bất hợp lý đối với đa số người dân nhưng hợp lý đối với một vài nhóm lợi ích này không bao giờ tự mất đi nếu không có một cơ chế xử lý mâu thuẫn một cách hữu hiệu, giúp xã hội có thể liên tục tự hoàn thiện và phát triển.
Tại các nước phát triển, mọi vấn đề liên quan đến xung đột giữa các nhóm lợi ích như trên đều được giải quyết thông qua một hệ thống các đạo luật. Chẳng hạn ngay khi vấn đề đào phá đường hoặc nhà siêu mỏng siêu méo xuất hiện, quốc hội cần phải họp và yêu cầu chính phủ bắt các cơ quan chức năng ra ngay những quy định về tiêu chuẩn xây dựng đường nội thị, trong đó quy định các con đường khi thiết kế dự toán phải có đầy đủ hào kỹ thuật, cống thoát nước với kích cỡ phù hợp, quy định các con đường mới xây dựng phải được quy hoạch rộng hai bên và đấu giá phần quỹ đất hai bên đường trước khi xác định giá đền bù tương ứng…
Việc xây dựng các quy định trên phải căn cứ vào lợi ích và chi phí của tất cả các nhóm lợi ích chứ không chỉ thiên về một nhóm lợi ích nào. Người dân khi đó mới có thể làm chủ xã hội thông qua hệ thống pháp luật được xây dựng để bảo vệ lợi ích toàn cục của đất nước nhưng vẫn cân đối được lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau.
__________________________________
(*) Công ty cổ phần Hóa dầu Petrolimex