Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm thế nào biến kinh tế Việt Nam từ “mèo” thành “hổ”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm thế nào biến kinh tế Việt Nam từ “mèo” thành “hổ”

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Vẫn còn nhiều tồn tại đằng sau những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 của Việt Nam. Đâu là hướng đi cho nền kinh tế năm 2019?

Làm thế nào biến kinh tế Việt Nam từ “mèo” thành “hổ”
Các đại biểu thảo luận về động lực tăng trưởng kinh tế mới năm 2019 – Ảnh: Ban KTTW

GDP dự báo đạt 6,8% năm 2019

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra ngày 17-1, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam đã có một năm thành công và đáng ghi nhận”.

Chứng minh cho nhận định này, ông Bình cho hay, lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, thuộc trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, vượt qua mọi con số dự báo trước đó.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới, trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,7% và vượt xa mức kỷ lục 214 tỉ đô la Mỹ của năm 2017.

Trong năm 2018, Việt Nam thu hút được gần 35,5 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ giải ngân tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân đạt 19,1 tỉ đô la Mỹ.

Có được kết quả trên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là nhờ sự tham gia tích cực của toàn bộ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Thế giới, việc Việt Nam luôn tăng bậc trong bảng xếp hạng kinh doanh đã giải phóng sức sản xuất mạnh mẽ trong nước. Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan liên quan của hệ thống chính quyền đã tháo gỡ nút thắt trong kinh tế để nguồn lực phát triển tốt nhất.

“Tăng trưởng cao đi từ sức khỏe, nguồn lực của nền kinh tế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay, những kết quả Việt Nam đạt được trong năm 2018 sẽ là chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019.

Theo dự báo của người đứng đầu ADB tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng cao, dự báo đạt khoảng 6,8%.

Làm sao để biến “mèo” thành “hổ"?

Theo các đại biểu, khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc Việt Nam cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới.

Hội thảo Phiên Tổng thể và Đối thoại chính sách cấp cao diễn ra ngày 17-1, sự kiện nằm trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 là sáng kiến, ý tưởng của Ban Kinh tế Trung ương, thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế và Diễn đàn thường niên này đang dần trở thành một Diễn đàn quốc tế, tập hợp trí tuệ của cộng đồng các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank (WB)Việt Nam cho hay, những con số tăng trưởng kinh tế năm 2018 chưa thể hiện được hết thực trạng của nền kinh tế Việt Nam.

Theo lãnh đạo WB tại Việt Nam, cán cân thương mại hoàn toàn đối lập giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước khi khu vực FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu và có thặng dư lớn. Trong khi khu vực trong nước vẫn ghi nhận thâm hụt thương mại.

Hơn nữa, giá trị nội địa trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, thấp hơn so với nền kinh tế các nước ASEAN khác. “Chỉ một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra tại Việt Nam, phần còn lại phải nhập khẩu”, ông Ousmane Dione nêu quan ngại.

Một thực tế khác là tỉ trọng giá trị nội địa đã giảm theo thời gian trong giai đoạn 2005-2016, đặc biệt là với sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng. Ví dụ như giá trị nội địa của hàng điện tử chỉ khoảng 40%, 60% còn lại là nguyên liệu nhập khẩu.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, được lãnh đạo WB trích dẫn, Việt Nam thiếu doanh nghiệp cung ứng trong nước đáp ứng đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp FDI khi chỉ xếp thứ 86 trong số 186 quốc gia về khía cạnh này, thấp hơn nhiều so với quốc gia khác trong khu vực.

“Như vậy, đóng góp trực tiếp của khu vực nội địa phần lớn vẫn là lắp ráp cơ bản, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp”, ông Ousmane Dione  nói. “Đây là vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết".

Trước những tồn tại của nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Bình đặt câu hỏi: “Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một còn mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á, như cách so sánh của Giáo sư Jay Rosengard, Đại học Harvard đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất, tháng 6-2017”.

Ngày 14-1 vừa qua, hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, giúp mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, cơ hội luôn gắn liền với thách thức. Với nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp. Do đó, khi các FTAs có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.

Đưa ra lời khuyên để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho hay, Việt Nam nên tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ, đặc biệt là nên cân nhắc duy trì chính sách tỉ giá linh động hơn.

Ngoài ra, Việt Nam nên đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thích ứng và đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thị trường tài chính cũng như thị trường đất….

Bên cạnh đó, liên quan tới thương mại quốc tế, Việt Nam nên có chính sách để tối ưu hóa lợi ích từ các FTA thế hệ mới; cải cách khung pháp lý để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới; tạo thuận lợi để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phía Chính phủ, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2019, Chính phủ sẽ tập trung ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc. Thực hiện được mục tiêu trên sẽ tăng khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên.

Để làm được việc này, Chính phủ sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hợp tác, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa, củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công.

Mời đọc thêm:

Mục tiêu nào cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2019?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới