Làm thế nào để đánh giá hoạt động của Chính phủ?
Việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công của Chính phủ sẽ tạo ra không khí cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Lâu nay người dân, công luận và cả Quốc hội chỉ biết hoạt động của Chính phủ thông qua các báo cáo sáu tháng, báo cáo hàng năm và báo cáo cuối nhiệm kỳ của Chính phủ đọc trước Quốc hội. Qua các báo cáo có thể rút ra những kết luận, các đánh giá hoạt động của Chính phủ trong năm, trong suốt nhiệm kỳ... Tuy nhiên cách làm có tính thông lệ này làm cho các đánh giá có phần hình thức.
Thông thường, để đánh giá hoạt động của chính phủ người ta tiến hành đánh giá hiệu quả của chính phủ. Hiệu quả của chính phủ là hiệu quả thu được trong hoạt động quản lý của chính phủ. Khái niệm chính phủ nói đây bao gồm các cơ quan chính phủ và các tổ chức dịch vụ công thuộc chính phủ.
Hiệu quả của chính phủ được thể hiện trên ba mặt và thông qua bốn nội dung. Ba mặt là: kinh tế (tức là chi phí thấp), hiệu suất và hiệu ích (tiếng Anh là economy, efficiency, effectiveness). Bốn nội dung là: chi phí, đầu tư, sản xuất, hiệu quả.
Ở một số nước người ta đã luật hóa việc đánh giá hiệu quả của chính phủ. Ở các nước phương Tây, việc đánh giá hiệu quả các chính phủ trên quy mô lớn được bắt đầu từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20.
Năm 1973, Chính phủ Mỹ đã công bố “Phương án xác định hiệu suất công tác của chính phủ liên bang” nhằm hệ thống hóa, quy phạm hóa, thường xuyên hóa việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công. Theo phương án này, cơ quan hữu quan đã đề ra hơn ba ngàn tiêu chí để cục thống kê lao động tiến hành thống kê và phân tích hiệu quả công tác của các cơ quan chính phủ.
Năm 1993, chính phủ lại công bố “Luật hiệu quả và kết quả chính phủ”, yêu cầu các cơ quan của chính phủ liên bang xây dựng quy hoạch chiến lược năm năm về sứ mệnh và mục tiêu dài hạn của mình, xây dựng kế hoạch hàng năm về quản lý hiệu quả thực hiện mục tiêu chiến lược, định kỳ đánh giá hiệu quả công tác của cơ quan mình và báo cáo với quốc hội, với công chúng. Từ đó, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức của chính phủ đã được thể chế hóa.
Trong phong trào cải cách hành chính bắt đầu từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức của chính phủ rất được coi trọng. Anh là nước dẫn đầu trong việc này.
Việc đánh giá hiệu quả chính phủ đã trở thành một công việc quan trọng của chính phủ Thatcher nhằm khắc phục chủ nghĩa quan liêu, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính.
Từ năm 1979, Chính phủ Anh bắt đầu thực hiện kế hoạch Rana. Đó là kế hoạch đánh giá toàn diện, hiệu quả các tổ chức chính phủ và tổ chức công, là cơ sở để thực hiện đề án cải cách hành chính của bà Thatcher. Bộ Tài chính Anh đã phát huy vai trò đôn đốc, hướng dẫn quá trình đánh giá. Năm 1989, bộ này đã phát hành cuốn “Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá hoạt động và hiệu quả của chính phủ trung ương” để hướng dẫn việc thiết lập và hoàn thiện cơ chế đánh giá về mặt nghiệp vụ và kỹ thuật. Từ đó, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức của chính phủ ở Anh đã từng bước được phổ cập hóa, quy phạm hóa, hệ thống hóa, khoa học hóa.
Việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công của chính phủ cũng đã được thực hiện ở các nước phương Tây khác. Chính phủ Hà Lan đã ban hành đạo luật mới về quản lý đô thị, yêu cầu đánh giá hiệu quả công tác của chính quyền địa phương. Ở Úc, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công của chính phủ được thực hiện qua những chương trình cải cách cụ thể như kế hoạch cải tiến quản lý tài chính, quản lý dự án, cải cách ngân sách.
Việc xây dựng tiêu chí đánh giá, phương án đánh giá hiệu quả trở thành một bộ phận trong kế hoạch công tác của các cơ quan chính phủ, được chính thức đưa vào dự toán tài chính hàng năm của các cơ quan và thông báo công khai. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công cũng đã được thực hiện rộng rãi ở Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, New Zealand.
Để đánh giá một cách chính xác, khoa học, người ta đưa ra các tiêu chí định lượng làm cơ sở đánh giá.
Đánh giá tính kinh tế, đây là sự đánh giá tính hợp lý về chi phí. Hình thức đánh giá tính kinh tế trong quản lý thường là: Đánh giá tỷ lệ giữa chi phí và kết quả, tỷ lệ giữa chi phí hành chính và chi phí thực hiện nghiệp vụ, chi phí phục vụ tính theo đầu người thụ hưởng...
Đánh giá hiệu suất, đây là sự đánh giá tỷ lệ giữa chi phí đầu tư và kết quả thu được. Thí dụ, để đánh giá hiệu quả công tác của cảnh sát, người ta có thể sử dụng các tiêu chí như: tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ án hình sự, tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ án bạo lực, tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ trộm, số vụ án khám phá được tính bình quân cho mỗi nhân viên cảnh sát.
Đánh giá hiệu ích, nội dung đánh giá hiệu ích bao gồm đánh giá chất lượng, đánh giá hiệu ích xã hội, mức độ hài lòng của công dân.
Thông qua các tiêu chí đánh giá hiệu quả của chính phủ, người ta thấy xu thế hiện nay hoạt động của chính phủ đã chuyển đổi.
Đặc trưng của mô thức quản lý truyền thống là chính phủ nắm độc quyền quản lý, quyền lực tập trung cao độ, quy chế nghiêm ngặt, cơ chế quản lý là cơ chế khống chế. Quan điểm mới về quản lý của chính phủ chủ trương thị trường hóa, xã hội hóa dịch vụ công cộng, nhấn mạnh việc phi tập trung hóa quyền lực, định hướng theo kết quả đầu ra, lấy việc phục vụ khách hàng làm gốc.
Quan điểm quản lý theo kết quả đầu ra đòi hỏi “căn cứ vào định hướng hiệu quả đầu ra để đầu tư kinh phí”. Muốn vậy thì phải đánh giá hiệu quả quản lý. Mô thức quản lý truyền thống không đánh giá hiệu quả nên hiệu quả thấp. Do đó, phương thức quản lý hiện đại muốn có hiệu quả thì phải đánh giá hiệu quả quản lý một cách nghiêm túc.
Một nhà nước của dân, do dân và vì dân, thông qua đánh giá, công chúng có thể có được sự lựa chọn chính xác, tạo ra sức ép đối với tổ chức công và công chức, buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác. Việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công của chính phủ sẽ tạo ra sự so sánh theo chiều ngang - chiều dọc và không khí cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác, thật sự chuyển từ chức năng cai trị sang chức năng phục vụ.
DIỆP VĂN SƠN