Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm thế nào để lấp khoảng trống cho thị trường thịt heo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm thế nào để lấp khoảng trống cho thị trường thịt heo?

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) – Dù giá thịt heo trong những ngày cuối cùng của năm Canh Tý không tái lập kỷ lục như hồi đầu năm, nhưng rõ ràng là mức giá heo hơi 81.000-87.000 đồng/ki lô gam vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu dưới 70.000 đồng mà người đứng đầu ngành nông nghiệp đưa ra từ đầu năm 2020.

Điều đó cho thấy việc tái đàn heo đã không được như kỳ vọng và việc nhập heo sống từ Thái Lan cũng vẫn chưa đủ để hạ nhiệt giá thịt heo.

Làm thế nào để lấp khoảng trống cho thị trường thịt heo?
Thị trường thịt heo vẫn tiếp tục “không chiều theo ý” của các nhà quản lý. Ảnh: THÀNH HOA

Khoảng trống vẫn rất lớn  

Một quan chức ngành nông nghiệp nói rằng: “Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung – cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm”. Còn theo một quan chức khác cũng của ngành này: “Đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, đạt 88% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 22% so với tháng 1-2020”, khác rất nhiều so với “dự kiến cuối năm cung – cầu về thịt lợn có thể cân bằng” mà quan chức nói trên đã dự báo trước đó không lâu.

Như vậy, chuyện thiếu thịt heo vẫn là một thực tế và việc giá heo hơi tăng mạnh chứng tỏ rằng, thị trường vẫn tiếp tục “không chiều theo ý” của các nhà quản lý là tăng sử dụng các loại thực phẩm khác bù cho phần thịt heo bị thiếu.

Câu hỏi đặt ra là thị trường hiện nay đang thiếu bao nhiêu thịt heo?

Chuyện thiếu thịt heo vẫn là một thực tế và việc giá heo hơi tăng mạnh chứng tỏ rằng, thị trường vẫn tiếp tục “không chiều theo ý” của các nhà quản lý là tăng sử dụng các loại thực phẩm khác bù cho phần thịt heo bị thiếu.

Nếu dựa trên các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), có thể thấy rằng, bình quân trong giai đoạn năm năm 2011-2015 là giai đoạn giá thịt heo của nước ta khá bình ổn, sản lượng thịt heo của Việt Nam tăng 2,88%/năm. Còn ba năm liên tiếp sau đó sản lượng tăng tốc đột biến, đây cũng chính là giai đoạn đàn heo Việt Nam ùn ùn vượt biên để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc do đàn heo của nước này liên tục bị thiệt hại nặng nề do giá rét.

Nếu lấy nhịp tăng 2,88%/năm làm chuẩn để tính toán, nhu cầu tiêu dùng thịt heo của nước ta trong ba năm 2016-2018 lần lượt là 2,63; 2,71 và 2,78 triệu tấn, còn sản lượng dư thừa xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc dao động trong khoảng  70.000-106.000 tấn.

Thế nhưng, năm 2019, trong khi sản lượng giảm mạnh xuống chỉ còn 2,45 triệu tấn do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (ASF), thì nhu cầu tiêu dùng lại tăng lên 2,86 triệu tấn, tức hụt tới 410.000 tấn, tương ứng với 16,7% sản lượng.

Tiếp theo, trong năm 2020 vừa qua, trong khi nhu cầu tiêu dùng giữ nguyên thì sản lượng lại lui về 2,4 triệu tấn, nên mức thiếu hụt càng nhiều hơn.

“Một mũi tên trúng nhiều đích”   

Những con số tính toán trên chưa thật chính xác, nhưng rõ ràng chỉ có thiếu hụt nguồn cung lớn thì giá thịt heo mới tăng mạnh. Việc tái đàn không được như mong đợi có thể do những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, tuy chúng ta giữ được lực lượng “hạt nhân” bao gồm 109.000 con heo cụ kỵ, ông bà, giữ được 2,7 triệu heo nái trong quá trình chống ASF, nhưng rõ ràng là lực lượng hạt nhân vẫn giữ được an toàn và gần như nguyên vẹn đó không đủ để bảo đảm cung cấp đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch. Kết quả là bước vào giai đoạn tái đàn, giá heo giống không ngừng leo thang và trở nên quá đắt đỏ khiến cho các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, rất khó tiếp cận được những nguồn giống đó.

Bên cạnh đó, các số liệu thống kê khác cho thấy, đàn heo nái của Việt Nam năm 2015 là 4 triệu con, cao nhất năm 2016 là trên 4,2 triệu con, các năm 2017 và 2018 ổn định xung quanh 4 triệu con. Điều này cho thấy, mầm mống của cơn sốt nóng giá heo giống đã phát sinh ngay từ trước khi ASF bùng phát ở Việt Nam vào năm 2019, bởi những “cỗ máy cái” đẻ ra những cỗ máy sản xuất thịt này của chúng ta đã bị giảm quá mạnh.

Thứ hai, trong khi bị thiệt hại quá lớn do ASF, khu vực chăn nuôi nhỏ lại không chủ động được nguồn heo giống, cho nên đóng góp chắc chắn không tương xứng vào việc tái đàn. Việc các nhà quản lý không ít lần khẳng định các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tái đàn rất mạnh mẽ, nhưng sản lượng thịt heo năm 2020 chỉ tăng vỏn vẹn 146.000 tấn là đủ chứng tỏ điều đó.

Những thực tế đó đương nhiên để lại nhiều hệ quả. Đó không chỉ là ba lần Thủ tướng ra lệnh kéo giá thịt heo xuống trong năm 2020 nhưng đều không thành công, còn các cơ quan quản lý thì đều bị “việt vị” với dự báo về sản lượng thịt heo năm 2020 sẽ tăng rất mạnh.

Điều có lẽ còn nghiêm trọng hơn ẩn phía sau đó là người tiêu dùng cho đến nay vẫn tiếp tục bị “móc túi” quá nhiều do giá thịt heo quá cao và tình trạng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong năm 2021 này. Các doanh nghiệp nhỏ cũng như các hộ chăn nuôi thì không thể tăng nhanh đàn heo do rào cản con giống. Chỉ có một số rất ít doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ tình trạng này.

Tóm lại, năm 2020 dù được đánh giá là năm thành công toàn diện, hoặc chí ít là khá toàn diện của ngành nông nghiệp, nhưng riêng phân ngành chăn nuôi heo thì chắc chắn là không, đặc biệt là với hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi nhỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới