Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm thu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm thu

Phan Trọng Hiền

(TBKTSG) – Mỗi khi đến mùa khai giảng năm học mới, lại thấy các bậc phụ huynh than phiền về chuyện lạm thu trong nhà trường. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng nhắc nhở, nhưng mọi việc hầu như không có gì thay đổi.           

Các khoản thu trong và ngoài quy định – từ mẫu giáo đến lớp 12 – thật thiên hình vạn trạng, phần lớn núp dưới danh nghĩa “tự nguyện” nhưng phụ huynh không thể không đóng, nếu còn muốn con em mình được đến trường!

Xin thử liệt kê những khoản thu mà tôi ghi nhận được qua thực tế gia đình, người thân: học phí, tiền tăng tiết, tiền phụ đạo, tiền học ngoại ngữ, vi tính, học đàn, học thể dục; tiền bán trú, tiền ăn, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; tiền sách giáo khoa, tiền tập vở, dụng cụ học tập, tiền lệ phí thi, tiền mua phù hiệu, mua học bạ, sổ liên lạc, vở tin học, tiền mua giấy thi; tiền mua đồng phục, mua đồ thể dục, tiền mua máy tính xách tay, mua micro; tiền cơ sở vật chất, tiền điện, tiền nước, tiền mua máy chiếu, máy lạnh, tiền bảo trì máy lạnh, tiền mua dầu chạy máy phát điện (khi cúp điện); tiền nước uống, tiền quét dọn vệ sinh, tiền trang trí lớp, tiền khen thưởng thi đua; tiền làm nhà để xe, tiền xây dựng thư viện, tiền thay bàn ghế đa năng (vừa ngồi học, vừa làm chỗ ngủ), tiền mua quạt, màn hình, hệ thống báo trộm, tiền mua rèm cửa, mua sọt đựng rác, giấy lau tay; tiền hỗ trợ đời sống bảo vệ, bảo mẫu, nhân viên tạp vụ, nấu ăn…

Rồi lại thêm tiền quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ hỗ trợ dạy và học, quỹ khuyến học, quỹ lao động học sinh, quỹ y tế học đường…

Thống kê sơ bộ, cứ vào đầu năm học, trung bình mỗi học sinh phải đóng từ 10-20 khoản khác nhau, với số tiền từ 2-3 triệu đến 14-15 triệu đồng. Thật là cả một gánh nặng, nhất là với những gia đình có thu nhập thấp.           

Hoạt động giáo dục của Nhà nước vốn mang tính phúc lợi xã hội và cần được đầu tư phát triển về lâu dài chứ không phải kinh doanh kiểu “lấy thu bù chi”. Luật Giáo dục 2005 quy định phổ cập giáo dục cho mọi công dân đến lớp 9 (trung học cơ sở). Như thế, lẽ ra học sinh trong độ tuổi từ lớp 9 trở xuống phải được miễn hoàn toàn tất cả các chi phí dùng cho việc học. Nhưng thực tế lại không được như vậy nên ở nhiều nơi, không ít con em nhà nghèo phải chịu cảnh thất học!

Tóm lại, lạm thu là một cách làm giáo dục sai lầm, một cách hiểu lệch lạc và lạm dụng khái niệm “xã hội hóa giáo dục”, cần sớm được chấn chỉnh để tạo ra cơ hội học tập tốt hơn cho tất cả mọi người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới