Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm việc 4 ngày/tuần, năng suất của nhân viên Microsoft Nhật Bản tăng 40%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm việc 4 ngày/tuần, năng suất của nhân viên Microsoft Nhật Bản tăng 40%

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Microsoft Nhật Bản, công ty con của Tập đoàn công nghệ Microsoft (Mỹ), cho biết năng suất lao động của nhân viên tăng gần 40% sau khi họ được phép làm việc 4 ngày/tuần.

Làm việc 4 ngày/tuần, năng suất của nhân viên Microsoft Nhật Bản tăng 40%
Microsoft Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục thêm một đợt thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần trong mùa đông này. Ảnh: The Logical Indian

Trong tháng 8 vừa qua, Microsoft Nhật Bản, có trụ sở ở Tokyo, thử nghiệm áp dụng chế độ làm việc 4 ngày/tuần cho nhân viên. Theo đó, nhân viên ở mọi văn phòng của Microsoft Nhật Bản chỉ làm việc đến hết ngày thứ Năm và có ba ngày nghỉ cuối tuần, tức tăng thêm một ngày nghỉ (thứ Sáu).

Microsoft cho biết kết quả thử nghiệm rất hứa hẹn. Dù lượng thời gian làm việc bị cắt giảm mạnh, năng suất lao động, được tính bằng doanh thu trung bình đạt được trên mỗi nhân viên, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nhân viên cũng xin nghỉ phép với số ngày ít hơn 25,4% so với tháng 8 năm ngoái.

Ngoài việc giảm giờ làm, các quản lý của Microsoft Nhật Bản cũng hối thúc nhân viện giảm thời gian họp hành và trả lời các email. Họ gợi ý các cuộc họp chỉ nên kéo dài không quá 30 phút. Trước đây, các cuộc họp thường kéo dài 60 phút.

Các nhân viên cũng được khuyến khích giảm số lượng các cuộc họp lãng phí thời gian bằng cách sử dụng ứng dụng nhắn tin trực tuyến của Microsoft để trao đổi công việc. Mỗi cuộc họp nhóm chỉ hạn chế tối đa 5 nhân viên.
92,1% trong tổng số 2.280 nhân viên của Microsoft Nhật Bản nói rằng họ thích chế độ làm việc 4 ngày/tuần.

Nhờ đóng cửa văn phòng sớm trong mỗi tuần và cắt giảm họp hành, công ty cũng tiết kiệm được các chi phí và nguồn lực bao gồm chi phí sử dụng điện giảm 23%, giấy tờ in ấn giảm 60%.

Sáng kiến cắt giảm giờ làm này được Microsoft đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực xóa bỏ văn hóa làm việc đến kiệt sức, dẫn đến một số trường hợp tử vong. Vấn đề này nghiêm trọng đến nỗi nước này có hẳn một thuật ngữ riêng: karoshi (chết vì làm việc quá độ). Năm 2015, một nữ nhân viên của tập đoàn quảng cáo Dentsu (Nhật Bản) nhảy lầu tự tử vào ngày Giáng sinh do áp lực công việc. Trong những tháng trước khi tự tử, số thời gian làm việc ngoài giờ của cô là hơn 100 giờ.

Hai năm trước đó, một nữ phóng viên của Đài phát thanh truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK đột tử do lên cơn suy tim xung huyết. Thời gian làm việc ngoài giờ của cô trong tháng trước khi chết lên đến 159 giờ.

Điều này khiến các doanh nghiệp Nhật Bản bắt tay tìm kiếm các giải pháp. Một số doanh nghiệp bắt đầu cho phép nhân viên làm việc với giờ giấc linh động. Chính phủ Nhật Bản mở cuộc vận động “Ngày thứ 6 phần thưởng”, khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên nghỉ làm sớm vào 3 giờ chiều của ngày thứ Sáu cuối cùng của mỗi tháng để giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi và mua sắm vào cuối tuần.

Microsoft Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục thêm một cuộc thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày/tuần vào cuối năm nay.
Hiệu quả của chế độ làm việc 4 ngày/tuần từng gây chú ý vào mùa xuân năm 2018 khi Perpetual Guardian, một quỹ đầu tư tín thác ở New Zealand, thông báo năng suất làm việc của các nhân viên tăng 20% và mức cải thiện trong cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ tăng 45% nhờ thử nghiệm chế độ làm việc này. Đến tháng 10-2018, Perpetual Guardian quyết định áp dụng chế độ làm việc 4 ngày/tuần vĩnh viễn.

Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần ở trên thế giới vẫn còn quá ít. Dù các doanh nghiệp giờ đây sẵn sàng thử nghiệm rút ngắn thời gian làm việc trong tuần, nhà nghiên cứu môi trường làm việc người Mỹ, Dan Schawbel, cho rằng người lao động muốn được cung cấp một đặc quyền thực tế hơn, đó là: làm việc theo thời gian linh động.

“Những người lao động trẻ thực sự muốn lựa chọn thời gian làm việc linh động hơn là gói bảo hiểm y tế, dù rằng chi phí y tế ở Mỹ khá cao”, ông cho biết.

Schawbel nhận thấy rằng tại Mỹ, làm việc theo thời gian linh động và 4 ngày/tuần là hai giải pháp để chủ doanh nghiệp làm dịu cơn khủng hoảng làm việc quá sức của nhân viên.

Trọng tâm các cuộc thảo luận để thực hiện hai giải pháp này là công nghệ vì các thiết bị điện tử đang giúp nhân viên làm việc tại nhà dễ dàng hơn bao giờ hết và cũng khiến họ khó cắt kết nối hoàn toàn với công việc khi họ không có mặt ở văn phòng.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy rút ngắn thời gian làm việc trong tuần đang nhanh chóng trở thành một vấn đề chính trị, tương tự như quyền nghỉ phép được hưởng lương của các nhân viên vừa lên chức bố mẹ. Tại Anh, gần đây, Công Đảng xem chế độ làm việc 4 ngày/tuần nhưng vẫn được hưởng lương đầy đủ như là một trong những chính sách trọng tâm.

John McDonnell, người phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính của Công Đảng, cho biết thời gian làm việc trung bình mỗi tuần ở Anh đã giảm từ 65 giờ vào thập niên 1860 xuống còn 43 giờ vào thập niên 1970. Kể từ đó, thời gian làm việc trong tuần không giảm nữa dù năng suất của người lao động tăng mạnh mẽ.

Các nhà kinh tế Mỹ lưu ý, tại nước này lương bổng đang tăng chậm hơn so với năng suất lao động. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, từ năm 1987 đến 2015, năng suất lao động tăng đến 5% mỗi năm ở nhiều ngành từ công nghệ thông tin cho đến sản xuất, bán lẻ nhưng lương bổng chưa bao giờ tăng hơn 2%/năm trong thời gian đó.

Giờ đây, khi lương bổng tăng trì trệ trong nhiều thập kỷ, người lao động Mỹ muốn làm việc thời gian linh động và ao ước rút ngắn thời gian làm việc trong tuần.

Một khảo sát vào năm 2018, do Schawbel và Công ty phần mềm quản lý nhân lực Kronos phối hợp thực hiện, cho thấy đa số người lao động muốn làm việc 4 ngày/tuần.

Phản ứng trước câu hỏi: “Nếu lương của bạn vẫn được giữ nguyên, bạn muốn làm việc bao nhiêu ngày mỗi tuần?”, có 34% người được khảo sát cho biết họ muốn làm việc 4 ngày/tuần. Trong khi đó, 28% ủng hộ chế độ làm việc 5 ngày/tuần hiện nay và 20% cho biết họ thích làm việc 3 ngày/tuần.

Theo CNN, NPR

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới