Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm việc đúng, sao lại phải “xé rào”?

Song nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Từ giữa năm đến nay, dịch Covid-19 với biến chủng Delta đã diễn ra rất khác so với thời kỳ đầu. Điều này đòi hỏi việc chống dịch và đời sống xã hội phải thay đổi rất nhiều và đặc biệt là phải dựa trên cơ sở số liệu dịch tễ học.

Tuy nhiên, hơn một năm chống dịch theo công thức cũ đã khiến chính quyền nhiều nơi bị rào cản vô hình trong đầu khiến họ không dám vượt qua, tự nhốt mình trong khu vực an toàn. Một số địa phương mạnh dạn vượt qua ranh giới an toàn, mang lại lợi ích cho người dân lại được nhắc đến với từ “xé rào”, thật không phù hợp chút nào!

Chẳng hạn trường hợp tỉnh Cà Mau với việc học trực tuyến. Trong khi cả nước vẫn mặc chung “đồng phục” học trực tuyến tất cả các cấp lớp thì Cà Mau đã có quyết định khác, có lợi cho người dân. Dựa trên số liệu thu thập được sau hai tuần học trực tuyến theo khuôn khổ chung mà Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra, cuối tuần qua Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo hỏa tốc dừng tổ chức các lớp học trực tuyến ở cấp tiểu học từ tuần thứ ba của năm học 2021-2022 (*).

Theo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh này, chỉ khoảng 60% học trực tuyến có chất lượng, số còn lại có tham gia học nhưng hiệu quả không cao, cấp học càng nhỏ thì hiệu quả càng thấp. Ở cấp tiểu học, học sinh còn gặp khó khăn trong việc vào lớp học trực tuyến, thao tác và sử dụng thiết bị còn chậm và việc tương tác giữa giáo viên và học sinh bị hạn chế.

Dựa trên tình hình thực tế, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đã kịp thời thay đổi và đưa ra quy định phù hợp thực tế. Trước đó, nhiều phụ huynh và giáo viên đã hết sức vất vả vì không biết làm sao cho học sinh lớp 1 học trực tuyến khi các cháu mới làm quen mặt chữ, cần thầy cô cầm tay nắn nót từng nét.

Một trường hợp khác là trước tình hình số ca tử vong vì Covid-19 tăng nhanh, chính quyền quận 6, TPHCM sau khi tham khảo ý kiến chuyên môn đã tổ chức phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà tại thời điểm cuối tháng 7, khi chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế. Phải đến giữa tháng 8, hai loại thuốc này mới được Sở Y tế TPHCM chính thức hướng dẫn F0 sử dụng để điều trị tại nhà (túi thuốc B) (**).

Việc làm của quận 6 tuy gây “mất an toàn” cho một số lãnh đạo nhưng lại cứu sống kịp thời nhiều F0 nhờ có thuốc điều trị ngăn chuyển biến nặng. Cũng cần nói rõ là việc phát thuốc này kèm theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ để bảo đảm sử dụng đúng, bảo đảm an toàn cho người bệnh. Đây là một quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học dù không đúng theo quy trình hành chính thông thường.

Vượt qua rào cản vô hình vì sợ không an toàn là điều không dễ làm với nhiều người. Ví dụ việc phong tỏa tràn lan “cho chắc ăn” vẫn đang phổ biến và gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế, đời sống người dân. Có thể thấy lãnh đạo một số địa phương chỉ chăm bẵm giữ cho địa bàn của mình càng ít ca nhiễm Covid-19 càng tốt, bất chấp cách chống dịch theo kiểu rào đường, phong tỏa hàng loạt khu vực không còn phù hợp.

Truyền hình VTV1 đưa tin, hôm 15-9, tại một hội nghị của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bức xúc khi nói về tình trạng phong tỏa tràn lan: “Có (ca nhiễm) một khu phố thôi, phong tỏa luôn cả xã, cả phường; có một xã thôi, phong tỏa luôn cả huyện. Và phong tỏa để làm gì thì không đặt ra. Không có mục tiêu, lộ trình, biện pháp. Phong tỏa 14 ngày, xong thấy có F0 lang thang trong cộng đồng lại phong tỏa, rồi tiếp tục lại phong tỏa. Hôm qua tôi mới hỏi: Thế đồng chí định phong tỏa đến bao giờ?(***)”.

Có thể thấy, rào cản trong đầu người có chức trách ở địa phương là trở ngại chính vì Chính phủ cũng chủ trương phải áp dụng biện pháp chống dịch linh hoạt, tùy điều kiện thực tế mà chọn biện pháp. Đã đến lúc không nên dùng chữ “xé rào” để chỉ những việc mà lẽ ra chính quyền tất yếu phải làm để giúp người dân vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế vì những việc như vậy không ai cấm làm cả.

Cũng qua những việc này, mô hình “đồng phục” chỉ có một công thức do các bộ ban hành áp dụng chung cho toàn quốc cũng cần sớm thay đổi. Điều kiện đời sống xã hội giữa các địa phương chẳng hạn như Lào Cai sẽ rất khác với TPHCM hay Cà Mau, làm sao dùng chung một “công thức” về giãn cách chống dịch hay mô hình học trực tuyến. Các bộ chỉ nên quản lý về mặt chuyên môn, nên giao cho địa phương quyết định tùy tình hình thực tế thì sẽ có biện pháp, chính sách hợp lý hơn.

————-

(*) https://tuoitre.vn/ca-mau-dung-hoc-truc-tuyen-cap-tieu-hoc-20210917181304043.htm

(**) https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-chuyen-gia-y-te-noi-gi-ve-viec-xe-rao-cua-bi-thu-quan-uy-quan-6-434789.html

(***) https://www.youtube.com/watch?v=IEU3WtBnwXE

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới