Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Làm việc ở nhà’ giúp dịch vụ chuyển nhà tại Nhật Bản ăn nên làm ra

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu đổi sang chỗ ở mới rộng hơn tại Nhật Bản đang tăng mạnh do dịch Covid-19 kéo dài, bởi “làm việc ở nhà” (work from home-WFH) mọi người cần có không gian thoải mái hơn. Điều này giúp thị trường các dịch vụ có liên quan bất động sản sôi động hẳn lên, trong đó có dịch vụ chuyển nhà.

Khoảng cách giữa hai điểm chuyển nhà đang ngày càng ngắn hơn, có nghĩa là người Nhật đang chuyển sang nhà ở có diện tích lớn hơn, không phải là hệ quả của việc chuyển chỗ làm. Đồ họa: Nikkei Asia

Nhà chật ảnh hưởng thể chất lẫn tinh thần

Một phụ nữ Tokyo trong độ tuổi 30 đã dọn từ căn hộ studio 25m2 sang ở căn apartment có diện tích gần gấp đôi với phòng ngủ, phòng khách kiêm phòng ăn và khu bếp riêng biệt. “Tôi cảm thấy mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần trong căn studio cũ”, người phụ nữ giải thích.

Trong căn studio cũ, người phụ nữ không có bàn viết trong lúc cô phải làm việc ở nhà nhiều hơn. Công việc và thời gian nghỉ ngơi tại nhà bắt đầu dài hơn, khó tách biệt rạch ròi. Cô kể rằng một trong những người bạn của cô ngã bệnh bởi làm việc liên tục trong căn hộ quá nhỏ. Mặc dù tiền thuê nhà mỗi tháng ở chỗ mới đắt hơn 20.000 yen, khoảng 182 đô la, cô nói: “Tôi thật sự cảm thấy thư giãn trong không gian mới”.

Thị trường dịch vụ dọn nhà cũng đang gia tăng. Sakai Moving Service, hãng dịch vụ chuyển nhà lớn nhất Nhật Bản, thực hiện 830.000 vụ chuyển nhà trong năm tài khóa 2020, tăng 6% so với năm trước đó. Hãng đối thủ Art cho biết tình hình kinh doanh có kém đi sau khi chính phủ Nhật Bản công bố tình trạng khẩn cấp đầu tiên vào tháng 4-2020. Nhưng kể từ đó Art không gặp cản trở nào do dịch Covid đem lại.

Để đo lường tình trạng hiện thời của thị trường chuyển nhà ở Nhật Bản, hãng Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã hợp tác cùng phân tích dữ liệu do cung Ateam Hikkoshi Samurai cung cấp. Ateam là trang mạng so sánh giá dịch vụ chuyển nhà hàng đầu ở xứ này.

Khoảng cách giữa hai điểm chuyển nhà đã ngắn hơn. Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, 52% số vụ dọn nhà diễn ra trong cùng một địa hạt (tỉnh hay vùng ở Nhật Bản), tăng 5% so sới cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, thông số này ở 47 tỉnh thành Nhật Bản cũng gia tăng, với 23% vụ di chuyển thực hiện trong cùng một quận hay thành phố.

Các doanh nghiệp cũng giảm hẳn chuyển số vụ thuyên chuyển chỗ làm của nhân viên, hệ quả là nhân viên cũng không phải dọn nhà. Điều này vừa khuyến khích “làm ở nhà”, vừa góp phần phòng chống dịch – theo hãng tuyển dụng nhân sự Pasona Group.

Cùng lúc đó, số người tự dọn nhà để tìm không gian sống tốt hơn cũng gia tăng. Trong những trường hợp này, mọi người thường chọn nhà mới ở cùng địa phương với hoàn cảnh sống mà họ đã quen thuộc, tránh việc chật vật tìm cách phương tiện di chuyển và các tiện nghi khác như cửa hàng dịch vụ, trường học…

Diện tích nhà ở tính theo mét vuông/đầu người ở Mỹ, Đức, Pháp, Nhật và Anh. Nguồn: Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản.

Xu hướng chuyển sang nhà lớn hơn sẽ tiếp tục?

Căn nhà của người Nhật thường nhỏ hơn nhiều so với nhà ở Mỹ và châu Âu. Diện tích sàn tính theo đầu người ở Nhật Bản khoảng 40m2, chỉ bằng 2/3 so với con số ở Mỹ và thấp hơn 10% so với ở Pháp và Đức. Diện tích trung bình nhà cho thuê ở Tokyo, đô thị đông dân nhất xứ hoa anh đào, chỉ 25m2. Các nhà nghiên cứu của Nikkei và JCER nhận định rằng: “Công bình mà nói thì căn nhà quá chật chội đã trở thành mối bận tâm của người Nhật trong suốt các đợt phong tỏa liên tục”.

Cả hai nhóm phân tích nói trên cho rằng vẫn còn nhu cầu dọn nhà chưa thể đáp ứng lúc này. Nhưng vẫn không chắc rằng xu hướng dọn sang nhà ở rộng hơn vẫn sẽ tiếp tục trong bối cảnh giá nhà tiếp tục tăng.

Giá nhà bắt đầu tăng ngay cả trước khi dịch bùng phát. Vốn đầu tư tiếp tục chảy vào bất động sản khi các chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn được duy trì. Thị trường các quỹ đầu tư tín thác bất động sản cũng phình nở. Tỷ lệ giữa tiền thuê nhà trên chi tiêu hộ gia đình vẫn leo thang, tăng 1,4 lần trong suốt 20 năm qua, bóp chặt điều kiện sinh hoạt của người dân trong khi lương lại không tăng.

Giá trung bình một căn hộ trên toàn quốc đã tăng 1,6 lần trong thập niên qua. Tại Tokyo, giá đã vượt 10 lần khoản thu nhập trung bình mỗi năm của người làm công ăn lương. Khoản nợ tiền nhà ngày càng đè nặng lên chủ nhà.

Trước khi dịch bùng phát, sự hiện diện của “người tị nạn là nạn nhân của dịch vụ chuyển nhà” đã trở thành một vấn đề xã hội khi các công ty dịch vụ thiếu nhân công. Nhìn xa hơn, nếu thu nhập tiếp tục bình ổn hay đi xuống trong khi giá nhà cứ tiếp tục gia tăng, các công ty dịch vụ chuyển nhà sẽ trở thành nạn nhân mới của dịch bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới