Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm việc từ xa giúp  nâng cao chất lượng sống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm việc từ xa giúp  nâng cao chất lượng sống

(TBVTSG) – Công nghệ thông tin (CNTT) và giao tiếp mới đang là chìa khóa giúp phối hợp tăng trưởng đô thị và phát triển bền vững. Đó là thông điệp mà giới lãnh đạo Cisco, tập đoàn tin học và mạng ở California, đưa ra tại hội nghị toàn cầu lần thứ hai của chương trình Connected Urban Development (CUD) trong hai ngày 23 và 24-9 tại Amsterdam (Hà Lan).  

Lấy cảm hứng từ Clinton Global Initiative của vị cựu tổng thống Mỹ, Cisco đã đề xuất chương trình này vào cuối năm 2006 và đầu tư 5 triệu đô-la Mỹ để nghiên cứu và đầu tư trang thiết bị để thực hiện. Lúc đầu, chỉ có San Francisco, Seoul và Amsterdam tham gia; nay mối quan hệ hợp tác này mở rộng đến các thành phố khác như Birmingham, Lisbon, Hamburg và Madrid.  

Mục tiêu, theo giải thích của ông Nicola Villa, Giám đốc CUD, là “để chứng tỏ bằng những thử nghiệm tiên phong rằng các mạng tin học có thể làm giảm việc tiêu thụ năng lượng và thải ra khí CO2 ở các thành phố, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội”.

Đây là một thách thức rất quan trọng vì các thành phố tiêu thụ 80% năng lượng trên thế giới và sản sinh ra 75% khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nằm trong tầm ngắm này là việc quản lý các hệ thống giao thông công cộng, điều tiết lưu lượng xe, quy hoạch đô thị, phân phối điện, hiệu quả năng lượng của các tòa nhà…  

Biểu hiện cụ thể đầu tiên của hoạt động này ở Hà Lan là “Smart Work Center” (trung tâm lao động thông minh), một tòa nhà văn phòng phi tập trung, được chia sẻ và kết nối rất tốt vừa được khánh thành tại Almere, một thành phố nhỏ ở ngoại ô Amsterdam.  

Giảm 20% mật độ giao thông tương đương với việc giảm 40% khí CO2 thải ra  

Tại trung tâm – có cả nhà trẻ và nhà hàng – người ta tái phát minh chế độ làm việc từ xa bằng cách đưa văn phòng đến gần với nhân viên. Các chỗ làm việc được cho doanh nghiệp và cơ quan hành chính thuê lại, rồi các cơ quan này chia sẻ chúng một cách linh hoạt giữa các nhân viên, tránh cho họ khỏi phải di chuyển xa vào trung tâm thành phố trong một số ngày hoặc vào giờ cao điểm.  

Đối với Bas Boorsma, nguời phụ trách của CUD tại Amsterdam, hệ thống này rất có lợi cho môi truờng. “Nó góp phần làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông xung quanh Amsterdam. Giảm 20% mật độ giao thông cũng tương đương với việc giảm 40% khí CO2 thải ra,” ông giải thích.  

“Điều này cũng có lợi cho các doanh nghiệp lẫn nhân viên, khi họ có thể cải thiện đuợc chất lượng cuộc sống. Các ngân hàng tính toán rằng chỗ làm của một nhân viên khiến họ tiêu tốn 15.000 euro mỗi năm. Nếu vào làm việc tại Smart Work Center, chi phí chỉ còn một nửa”. Là một trong những quốc gia có mật độ giao thông thuộc loại bão hòa nhất châu Âu hiện nay, Hà Lan đang chuẩn bị xây dựng khoảng một chục trung tâm tương tự ở miền Tây nước này.  

Những cuộc tranh luận tại Amsterdam về quy hoạch đô thị và môi trường cũng là dịp để các công ty tiến hành hoạt động “vận động hành lang” (lobby). “Cisco hy vọng ký được các hợp đồng thương mại nhờ vào những giải pháp do CUD triển khai,” ông Villa thừa nhận. Đối với tập đoàn tin học này, đây là một thị trường chiến lược. Ban lãnh đạo tập đoàn tin rằng các mạng có dung lượng cao sẽ làm cuộc cách mạng quy hoạch đô thị, với tác động chẳng khác nào điện và xe hơi trước đây.  

Ông Villa cũng tin rằng Cisco có thể thiết kế các thành phố mà cách tổ chức vận hành sẽ tận dụng những khả năng của công nghệ thông tin và giao tiếp mới. Trước mắt, Trung Quốc là mục tiêu của tập đoàn này. Rất nhiều thành phố mới mọc lên tại đất nước đông dân này và Cisco đã ký một hợp đồng hợp tác với chính phủ.

TẤN LỘC (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới