Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lan man cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lan man cuối năm

Hồ Hùng

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Tết sắp đến rồi. Nhưng dường như mùa nước nổi vẫn còn vương vấn, để người đến kẻ đi vẫn thấy sông tải nặng phù sa. Những khúc sông uốn lượn quanh co bên những rặng bần, vạt sậy, dưới ánh nắng chiều lãng đãng, hắt lên từng vạt sáng chập chờn, long lanh đáy mắt.

Vài chiếc ghe câu lơ lửng buông cần. Tiếng ai chèo khua nước rì rầm, í ới gọi nhau xúm xít tụm về sau một ngày dài mưu sinh mệt mỏi. Ở chợ nổi ngoài vàm sông kia, gánh thương hồ đã nổi lửa cơm chiều, khói quết dài từng mảng trên bầu trời yên ả.

Sông vẫn đẹp!

Dù có lẽ trong mắt những kẻ nào lang bạt xứ người hàng chục năm trời, nay trở về ăn Tết quê, về lại bên sông, thấy có những gì đó đã xa vời. Đâu rồi bến sông với khóm trúc, mái nhà tranh và làn khói bếp dịu tỏa mỗi chiều. Khóm trúc còn đó, dù có xác xơ, nhưng mái tranh giờ đã hóa thành những khối nhà bê tông xám xịt. Khói bếp cũng chẳng còn. Chiều về, những chiếc bếp ga sau nhà bật tách…

Và đã có lúc sông buồn, “gầy gò”, “hốc hác”. Ấy là mùa kiệt cận Tết này, vào con ròng, nước sông cạn muốn trơ đáy. Lớp “áo” nước phù du đôi lúc đi xa, bỏ sông, khiến sông dù không muốn cũng phải trơ ra những gì lâu nay đã giấu. Những mảng lở sâu hoắm, nham nhở. Những cây cọc gỗ ngổn ngang đóng chằng chịt xuống thân sông. Rồi những giề rác rưới đọng đầy hai bên bờ sình trơ nắng… Chẳng còn những bãi bùn, trải dài mút mắt, nâu lánh dưới ánh mặt trời. Nham nhở hết rồi!

Những lúc ấy, nhìn dòng sông mà thấy tội. Dòng sông như cũng biết lúc ấy mình chẳng là mình, chỉ muốn co mình, nhưng càng co, sông càng xơ xác như cô gái lỡ xuân thì, da thịt khẳng khiu…

Chẳng có gì giữ được mãi với thời gian và nhịp sống luôn tiếp diễn của con người. Ngay cả “ông trời”, còn phải thay đổi. Tháng Chạp, thường là lúc tiết trời rất đẹp, se lạnh, rồi nắng ấm. Vậy mà mấy ngày trước, trời mưa trái mùa. Rồi mấy ngày nay, Tết chỉ còn đếm từng ngày, vậy mà những cơn gió se lạnh xuân sang trốn biệt nơi nào. Đôi lúc, trời lại âm u, như muốn trút thêm vài cơn mưa trái trời.

* * *

Hồi nhỏ, thường vào lúc này, bọn trẻ chúng tôi đã nghe náo nức không khí Tết. Từ ngày hai mươi Âm lịch, lòng đã nôn nao, mong Tết, dù biết trước sau gì đêm giao thừa cũng tới.

Chiều chiều, ra chiếc cầu sắt bắc ngang con rạch, chờ dáng anh Hai, chị Ba tay quảy nách mang, từ ký túc xá trên Sài Gòn về quê. Mấy ngày đó, dù rất thèm nhưng đành bỏ qua những buổi lội kênh, thụt cua, bắt tép. Bởi lỡ gặp rắn – nhẹ hơn thì miểng cứa chân, mấy ngày Tết xem như đi tong. “Mà tụi bây cũng để cho con cá, con cua đón Tết với chứ!” – bà Hai đầu xóm, lắc lư mái tóc bạc trắng, nhóp nhép nhai trầu, nhắc khéo.

Vui nhất là mấy ngày cận Tết, được giao nhiệm vụ đi dán mấy miếng giấy đỏ khắp quanh nhà, mà người lớn nói rằng để trừ ma, xua quỷ trong những ngày Tết. Chừng độ hăm chín Tết, đồ ăn đã chất đầy trong nhà. Nhớ đâu lúc đó, nhiều quan niệm kiêng cữ vẫn còn, hạ nêu mùng bảy xong, chợ mới nhộn nhịp trở lại, nếu không mua đồ ăn trữ sẵn trong nhà, chỉ có nước nhịn đói trong mấy ngày Tết. Thợ mộc, thợ hồ, muốn gì cũng phải chờ hạ nêu xong mới bắt tay vào việc…

* * *

Nhiều quan niệm, suy nghĩ xa xưa ấy đã không còn tồn tại trong thời buổi này. Những nguyên tắc mà người xưa đặt ra đã bị quên lãng, dù không phải điều nào cũng cổ hủ mà chỉ muốn ta trở thành người tốt. Bởi một lý do mà nhiều người vẫn cố lòng biện bạch: phát triển? Có tiền là có Tết, không tiền Tết chẳng thấy đâu?

Trước Tết, người ta chỉ mua sắm có lệ. Chợ đã nhóm lại ngay sáng mùng hai Tết, ngay cả mùng một, đồ ăn cũng chẳng thiếu. Sáng mùng một, vẫn thấy những xấp vé số mời chào, vẫn nghe những tiếng rao hàng mỏi mệt. Và có lẽ nhiều người cũng thừa nhận rằng, giờ đây, ngày Tết cũng chẳng khác mấy ngày thường. Cứ thế, ba ngày Tết trôi qua lặng lẽ trong hơi men, trong những lời chúc tụng được lập trình sẵn.

Mọi chuyện hôm nay không thể giống hôm qua. Chỉ có điều, cái mình thích, mình nhớ thì biết đâu có người chê xưa. Còn cái mình chán thì người ta lại thích, để mong làm giàu. Đời mà!

Và sự thay đổi luôn đến từng ngày, đổi dần mà ta chẳng biết, chẳng hay. Chúng ta được nhiều thứ, và cũng mất quá nhiều thứ để mãi còn luyến tiếc, rồi thậm chí ân hận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới