Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lan man nhạc xuân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lan man nhạc xuân

Công Thắng

Lan man nhạc xuân
Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Sài Gòn mùa xuân có gì lạ? Sài Gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay; có mùa thu nào đang ở lại… Trịnh Công Sơn đã viết như vậy trong Thành phố mùa xuân. Sài Gòn xuân nắng ấm, nhưng cũng không ít ngày – nhất là những ngày đầu xuân – dịu mát, se lạnh với thoáng lá vàng rơi trên phố thưa người khiến lòng người chợt bâng khuâng: dường như mùa thu còn vương vấn đâu đây.

1. Mùa xuân, thành phố như mang bộ mặt khác, quen mà lạ. Lạ nhất là không gian thoáng đãng, không khí nhẹ nhàng, đặc biệt là những con đường thường ngày ầm ào với dòng người – xe cộ cuồn cuộn như thác lũ giờ đây mặt đường bình yên, nằm ngoan như con suối; kết hoa vàng cho lộng lẫy đời. Khối người khổng lồ đã tản ra, cuộc đua tranh mưu sinh đã giảm bớt tốc độ, phố xá thưa người, những con đường trải dài, yên ả, lấm tấm hoa phượng vàng như mời gọi và bạn có thể thong dong trên đường, nhìn ngắm cây cỏ, phố xá hai bên. Bấy giờ thì các giác quan nhận ra nhiều cái bất ngờ thú vị mà ngày thường bị che lấp, bị xóa mờ bởi khói bụi, tiếng ồn và sự tất bật, bực bội; này đây: chồi lá khoe mầm, có nhiều tiếng cười như trẻ lại, ngày như dài hơn nắng phai từ lâu (nhưng) chiều vẫn dài và lãng mạn thay đường phố em về tóc cùng hoa quyến luyến… Như một khoảng lặng giữa dòng đời sôi động, Sài Gòn mùa xuân thật bình yên, mang nét đẹp riêng rất đáng yêu một khi ta biết lắng nhìn, lắng nghe và trải lòng như người nhạc sĩ tài hoa kia.

2. “Xuân du phương thảo địa”, thơ ca mùa xuân không thể thiếu màu xanh non bãi cỏ thơm. Hoa xuân của Phạm Duy mở đầu cũng với màu xanh phương thảo ấy: Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Thêm gió xuân, hoa xuân, ong bướm và hẳn nhiên không thể thiếu tình xuân với chàng và nàng. Ở đây, chàng là một “thi sĩ miền quê” hiền lành mộc mạc, chưa nhiễm thói ngông nghênh, màu mè của đám nhà thơ thị thành nhốn nháo. Thay vì ứng tác một bài thơ huê tình tặng người đẹp thì chàng ta chỉ ngắt tặng những bông hoa bên đường: Có một chàng thi sĩ miền quê; ngắt bông hoa biếu người xuân thì. Lãng mạn mà thật thà, bình dị.

Một nhân vật khác cũng không thể thiếu của mùa xuân – trẻ em: Có một đàn em bé ngoài đê; hát câu i tờ đón xuân về… Thử hình dung, nếu không có đàn em bé tung tăng khoe áo mới, nếu vắng đi tiếng hát líu lo, tiếng cười đùa hồn nhiên của chúng thì còn đâu mùa xuân rộn ràng, mùa xuân chồi non lộc mới, mùa xuân của tương lai. Nhớ lại một ca khúc xuân nổi tiếng khác cũng có hình ảnh lũ trẻ rất sống động, rất đẹp: Anh cho em mùa xuân. Trẻ nô đùa khắp trời. Niềm yêu đời phơi phới… (Anh cho em mùa xuân – nhạc Nguyễn Hiền – thơ Kim Tuấn).

3. Bây giờ thật khó hình dung vì sao một ca khúc tuyệt vời từ giai điệu đến ca từ như Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao lại phải im hơi lặng tiếng trong gần 25 năm sau khi được trình bày vài lần trên sóng phát thanh vào đầu năm 1976. Có người bảo rằng vì ca từ có đoạn khá “nhạy cảm”: Từ đây người biết quê người; từ đây người biết thương người; từ đây người biết yêu người… Có đúng như thế chăng?

Chỉ biết rằng, với Văn Cao, mùa xuân hòa bình đầu tiên cũng chính là mùa xuân đầu tiên được trở lại sống an vui bình thường, được yêu thương bình thường – mùa bình thường, mùa vui nay đã về – không còn phải sống trong cảnh bất thường với bom đạn, hận thù, chết chóc như lời tâm sự của nhạc sĩ được chính người con trai là Nghiêm Bằng ghi lại: “Cha nói hòa bình về, người ta sẽ có thời gian và điều kiện để yêu thương nhau hơn, sẽ làm cho nhau những điều êm ái mà chiến tranh đã làm người ta quên mất là con người có thể làm với nhau” (Tuổi Trẻ xuân Đinh Hợi, 2007). Có lẽ với trái tim nhân ái và con mắt thấu thị của một nghệ sĩ lớn, Văn Cao đã nhắn gửi một thông điệp vô cùng quan trọng: hãy để cho cay đắng hận thù qua đi, đừng khêu lại vết thương chiến tranh còn chưa lành miệng, hãy trở lại cuộc sống hiền lành, mở lòng khoan hòa với mọi người! Có như thế chúng ta mới có thể sống yên vui và yêu thương như một con người lành mạnh bình thường.

Bây giờ thì Mùa xuân đầu tiên đã quá phổ biến và rất được ưa thích. Nhưng liệu cái thông điệp “mùa bình thường”, mùa yêu thương tha thiết ấy của Văn Cao có thấm sâu vào lòng người?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới