Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làng công nghệ sinh thái kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp xanh

Trần Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự kiện làng công nghệ sinh thái (Ecotech Village), một chương trình thuộc Techfest, đi vào hoạt động đã giúp kết nối hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến khởi nghiệp từ các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và TPHCM cùng nhau ký kết hợp tác về đào tạo.

Các gian hàng trưng bày sản phẩm tại buổi ra mắt làng công nghệ sinh thái. Ảnh: Trần Đào

Mục tiêu của Ecotech Village (trụ sở tại quận 11, TPHCM) là kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ hóa học dệt nhuộm, quản lý sản xuất, thực phẩm, dược phẩm, nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Làng công nghệ sinh thái hướng đến mục tiêu ươm mầm tinh thần khởi nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ cộng đồng, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế kinh doanh, giáo dục cộng đồng về phát triển sinh thái bền vững. Ngoài ra, đây còn là nơi để các thành viên trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.

Ngay trong buổi ra mắt vào ngày 22-10, Ecotech Village đã ký kết bản ghi nhớ về hoạt động đào tạo với hơn 20 doanh nghiệp từ các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh. Trong kế hoạch 2022-2023, đơn vị sẽ thiết kế các chương trình đào tạo để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp cho các thành viên và doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo và kết nối các doanh nghiệp, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Bên cạnh đó, làng sẽ thực hiện chuỗi chương trình E Talks – Big Ideal để giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm và những ý tưởng mới.

Các doanh nghiệp Bình Thuận, Tây Ninh và các doanh nghiệp trong ngành cùng ký kết bản ghi nhớ về hoạt động đào tạo với trường Đại học Công nghiệp TPHCM và Làng công nghệ sinh thái. Ảnh: Trần Đào

Trưởng làng công nghệ sinh thái, TS. Phạm Thị Hồng Phượng, cho biết đơn vị sẽ nỗ lực gắn kết hoạt động nghiên cứu với quá trình phát triển sản phẩm, để đạt mục tiêu về ứng dụng và thân thiện với môi trường. Trong thời gian vừa qua, làng hỗ trợ, kết nối các nhà khoa học, nhà khởi nghiệp với thị trường. Đồng thời tư vấn cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đào tạo.

Trên thực tế, làng có những đóng góp nhất định. Ví như khi nhận thấy địa phương Măng Đen (tỉnh Kon Tum) có tiềm năng về du lịch, Ecotech Village xây dựng đề án, tư vấn và kết nối với các doanh nghiệp (trong và ngoài làng) để giúp họ tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái phù hợp, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.

Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia tham gia tọa đàm chủ đề “Phát triển cộng đồng Ecotech trong kỷ nguyên số” nhằm giải đáp thắc mắc về làng. Ảnh: Trần Đào

Trong các hoạt động nghiên cứu, làng công nghệ sinh thái kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương để thực hiện đề án có tính thực tế, khả thi. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định tầm quan trọng của việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào kinh doanh thực tiễn. Đồng thời, ông hy vọng làng công nghệ sinh thái sẽ tiếp tục góp phần thúc dẩy việc đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài và ươm tạo những dự án khởi nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới