Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làng nghề đóng xuồng tất bật đón lũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làng nghề đóng xuồng tất bật đón lũ

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Mùa nước nổi nơi thượng nguồn ĐBSCL vừa tràn về cũng là thời điểm hàng trăm con người ở làng nghề đóng ghe xuồng tại rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp tất bật vào mùa để phục vụ nhu cầu giăng câu, thả lưới của bà con miền sông nước trong những ngày lũ.

Làng nghề đóng xuồng tất bật đón lũ
Anh Nguyễn Văn Măn (bên trái) ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung ráp công cho chiếc xuồng cui – một trong những công đoạn để hoàn thành chiếc xuồng – Ảnh: Trung Chánh

>> Mưu sinh mùa lũ: Rộn ràng mùa tôm càng xanh

>> ĐBSCL: Lúa thu đông chống chọi với lũ

>> Miền Tây, nước đã "nhảy bờ"

Đóng xuồng đón lũ

Trải qua quãng đường dài hơn 100 km, chúng tôi khởi hành từ huyện Cai Lậy, Tiền Giang dọc theo quốc lộ 1A qua cầu Mỹ Thuận rồi rẽ sang quốc lộ 80 hướng về huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Sau nhiều lần hỏi đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được làng nghề đóng ghe xuồng nổi tiếng của Đồng Tháp, tại rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung.

Vừa tới đầu con rạch Bà Đài, tiếng cùm cùm vang ra từ những động tác của những người thợ đóng xuồng khua búa đóng đinh hay tiếng xèn xẹt của người thợ cưa đang xả ván đóng xuồng…, đã vang dội khắp xóm.

Dù được thành lập muộn nhất, nhưng trại đóng xuồng của anh Nguyễn Văn Măn ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cũng có trên … 40 năm kinh nghiệm. Anh Măn cho biết, khi mực nước lũ vừa “mấp mé” tràn về những cánh đồng nơi thượng nguồn cũng là lúc trại xuồng của anh đã xuất xưởng, giao cho thương lái được trên 100 chiếc xuồng cui và xuồng Cần Thơ rồi.

Anh Măn cho biết, năm nay nước lũ đến sớm và nhiều hơn mọi năm nên công việc đóng xuồng cũng bắt đầu sớm hơn nhằm phục vụ nhu cầu giăng câu, thả lưới của bà con ở ĐBSCL. “Từ tháng 3 (âm lịch) là tôi đã bắt đầu đóng xuồng rồi, dự kiến năm nay trại tôi sẽ đóng 300 chiếc”- anh Măn nói.

Rời trại xuồng của anh Măn, chúng tôi tìm đến trại xuồng của ông Út Hữu (Nguyễn Phú Hữu, ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) – cháu ngoại của ông Phạm Văn Thuông – người được xem là ông tổ của nghề đóng xuồng cui ở rạch Bà Đài. Không khí làm việc tại trại xuồng của ông Út Hữu nhộn nhịp chẳng khác một cái chợ, người cưa, người đóng, người xả ván làm náo nhiệt cả con rạch Bà Đài.

Ông Út Hữu bên chiếc xuồng cui đang đóng còn dang dở cho biết: “Năm nay lũ lớn, cá tôm chắc chắn cũng sẽ nhiều hơn vì thế công việc của tôi cũng khá bận rộn”. Chỉ tay về phía chiếc xuồng đã hoàn thành chuẩn bị giao cho thương lái mang đi bán, ông Út Hữu nói với vẻ hảnh diện: “Đây là chiếc thứ 200 trại tôi đóng để phục vụ cho bà con trong mùa lũ này đó”.

Dù giá có đắt hơn những trại khác, mỗi chiếc bán từ 4-6 triệu đồng, nhưng xuồng cui và xuồng Cần Thơ của trại ông Út Hữu luôn được thương lái và bà con tin dùng bởi ông luôn sử dụng chất liệu bằng cây sao rừng, có độ bền cao. “Mỗi chiếc xuồng của tôi nếu đi ẩu cũng phải 5 năm mới hư, còn đi kỹ lưỡng 8-9 năm cũng chưa hề hấn gì”- ông Út Hữu tự hào.

Mở rộng làng nghề, tạo thêm việc làm

Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định công nhận nghề đóng ghe xuồng tại rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung là làng nghề truyền thống của địa phương, từ 240 hộ đóng xuồng vào năm 2005, đến nay con số này đã là trên 400 hộ.

Ban đầu làng nghề đóng xuồng tại rạch Bà Đài chỉ đóng duy nhất xuồng cui, nhưng sau này chuyên sang đóng xuồng Cần Thơ và ghe có tải trọng lớn, từ 20-40 tấn/chiếc để phục vụ nhu cầu mua lúa của thương lái trong vùng.

Không dừng lại ở đó, gần đây, làng nghề đóng xuồng mở rộng sang các ấp Long Hưng, Long Thuận chứ không đơn thuần chỉ là ấp Long Hòa như trước đây.

Ông Út Hữu ở ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đẽo cây làm khạp cho chiếc xuồng cui của mình – Ảnh: Trung Chánh

Nhờ làng nghề đóng xuồng này mà hàng trăm việc làm được tạo ra cho thanh niên trong vùng, mỗi ngày một nhân công lao động thu nhập được từ 130.000-200.000 đồng (tùy vào trình độ tay nghề). Ông Út Hữu cho biết, thợ giỏi một ngày có thể hoàn thành một chiếc rưỡi xuồng cui, gồm công đoạn làm cong, ráp be, đóng đinh, trét chay…, tức thu nhập được 200.000 đồng/ngày. Ngược lại, thợ bình thường cũng có thể hoàn thành được một chiếc, thu nhập 130.000 đồng/ngày.

Một nhân công phụ đóng xuồng tại trại của ông Út Hữu cho biết, mấy tháng mùa lũ rãnh rỗi phụ đóng xuồng kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cuộc sống nhờ vậy cũng khá lên rất nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới