Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãng phí không chỉ ở hội họp và tiếp khách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãng phí không chỉ ở hội họp và tiếp khách

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4-2013 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói rằng mặc dù thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ không điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu và những công trình đầu tư quan trọng, như nâng cấp quốc lộ 1A, hay giải quyết tình trạng thiếu bệnh viện. Ông cho biết Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tích cực tìm ra phương thức tài chính, nguồn tài chính để trong những năm tới có bước đầu tư (cho bệnh viện) tạo chuyển biến rõ nét.

Từ trước tới nay, ngân sách nhà nước hầu như lúc nào cũng căng kéo. Vì vậy, tính toán chi tiêu để bảo đảm nguồn vốn hạn hẹp được đầu tư vào những công trình, dự án có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội tốt nhất, như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bệnh viện… là việc phải làm. Đáng tiếc là không phải tất cả các bộ ngành, các địa phương đều nghĩ như thế.

Chỉ hơn một tuần trước buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã công bố sẽ khởi công xây dựng Nhà hát Thăng Long vào ngày 10-10-2015, với tổng mức đầu tư tới 4.500 tỉ đồng. Trước đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có đề án đầu tư 10.800 tỉ đồng đến năm 2020 để xây dựng và nâng cấp nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm. Xa hơn nữa là đề án đầu tư 11.277 tỉ đồng của Bộ Xây dựng để xây bảo tàng lịch sử quốc gia. Đó là chưa nói đến các công trình phải đầu tư để chuẩn bị cho Asiad 18 sẽ diễn ra vào năm 2019. Không biết số tiền ngân sách phải bỏ ra có gói gọn được trong 150 triệu đô la Mỹ, như Ủy ban Olympic quốc gia cam kết không, hay lại đội chi phí lên gấp nhiều lần như Sea Games trước đây.

Hiện nay, để giải quyết các vấn đề đang rất được người dân và doanh nghiệp quan tâm, Chính phủ đang phải vay tiền để đầu tư, thậm chí vay rất nhiều. Năm ngoái, tổng vốn vay qua trái phiếu chính phủ lên đến 156.544 tỉ đồng, nhiều gấp đôi năm trước đó. Năm nay, tính đến cuối tháng 4, tổng số vay qua phát hành trái phiếu chính phủ đã lên đến 67.924 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn Chính phủ sẽ phải trả cả gốc và lãi. Chính vì thế, việc chọn lựa để sử dụng nguồn vốn này, hay nói rộng hơn là ngân sách, cho có hiệu quả là yêu cầu bắt buộc.

Mặt khác, có nhất thiết cái gì cũng phải Nhà nước đầu tư hay không? Nhà nước có nên tiếp tục dùng ngân sách để đầu tư nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm, cơ sở thể dục thể thao… hay tạo cơ hội cho tư nhân làm.

Chúng ta đã có quá nhiều bài học về các chương trình đầu tư chạy theo các sự kiện văn hóa, thể thao, mà gần đây nhất là sự kiện 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vì vậy, trước khi quyết định chi hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng cho những công trình mang tính biểu tượng mới, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần rà soát lại xem những cái đã làm phát huy hiệu quả như thế nào?

Trở lại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhắc lại yêu cầu của Chính phủ “phải tăng cường tiết kiệm chi, nhất là chi hội họp, tiếp khách, đi nước ngoài…”. Tiết kiệm các khoản chi đó là cần thiết, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng hơn là phải tiết kiệm những khoản chi rất lớn cho các công trình kém hiệu quả. Đây không những là gánh nặng trước mắt cho ngân sách quốc gia, mà còn là gánh nặng lâu dài khi ngân sách sẽ tiếp tục phải chi để quản lý, để duy tu và bảo dưỡng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới