Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãng phí lớn!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãng phí lớn!

Quang Minh

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Việc quản lý tài sản nhà nước không những cần ban hành một thể chế đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, mà còn cần có những chủ trương đồng bộ, triệt để.

Bất cập về chính sách

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, tuy có thừa nhận tình trạng lãng phí trong sử dụng nhà đất công nhưng ông cho rằng chưa đến mức báo động ở tầm cỡ quốc gia, mới ở mức nghiêm trọng.

Trên thực tế, với trên 5 tỉ mét vuông đất và trên 83 triệu mét vuông nhà, thì giá trị của khối tài sản nhà nước này là cực kỳ lớn. Nếu khai thác hiệu quả, khối tài sản này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia trong điều kiện nước ta đang thiếu nguồn lực để đầu tư, Chính phủ đang phải đi vay từ rất nhiều nguồn trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, xã hội.

Vậy mà, cũng theo báo cáo của Cục Quản lý công sản, đến cuối năm 2009, số tiền thu được do bán, chuyển nhượng tài sản nhà nước chỉ khoảng 1 tỉ đô la, chủ yếu là của TPHCM (chiếm 84%). Số tiền này là quá nhỏ so với khối tài sản nhà nước rất lớn đang được sử dụng lãng phí.

Đến cuối năm 2009, số tiền thu được do bán, chuyển nhượng tài sản nhà nước chỉ khoảng 1 tỉ đô la, chủ yếu là của TPHCM (chiếm 84%). Số tiền này là quá nhỏ so với khối tài sản nhà nước rất lớn đang được sử dụng lãng phí.

Mấy năm gần đây các cơ quan nhà nước đã có một số động thái nhằm cải thiện tình trạng này bằng cách ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý và Sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, như: Nghị định 52, Nghị định 106 năm 2009 của Chính phủ, Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Thông tư 89/2010 của Bộ Tài chính.

Song, các quy định pháp luật này chủ yếu mới chỉ quy định các nguyên tắc, phương thức quản lý, yêu cầu báo cáo công khai việc quản lý sử dụng tài sản nhà nước chứ chưa thực sự áp dụng các biện pháp và chế tài kiên quyết để giải quyết tình trạng lãng phí tài sản nhà nước.

Đến thời điểm hiện nay, việc triển khai các biện pháp của Chính phủ quá chậm chạp, vướng mắc nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện vì còn những khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đặc biệt là thiếu một thể chế phù hợp với thực tế.

Các bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường thì vẫn đang loay hoay sửa các quy định như: Nghị định 142/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Nghị định 198/2004 về thu tiền sử dụng đất sao cho phù hợp với thực tế. Bộ Tài chính chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá. Nhiều tỉnh chậm triển khai các quy định của Nghị 69/2009 và Quyết định 40/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quỹ phát triển đất.

Chủ yếu những vướng mắc là do chính sách chưa phù hợp với thực tế, không thúc đẩy được việc giải phóng các nguồn lực về đất đai, số tiền thu được vào ngân sách không tương xứng với tiềm năng. Chẳng hạn như biện pháp đấu giá đất, nếu thực hiện được việc đấu giá sát với giá thị trường thì số tiền Nhà nước thu được sẽ lớn hơn rất nhiều.

Tổ chức thực hiện cũng chậm chạp

Không chỉ bất cập về chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng cũng rất chậm chạp. Cho đến nay việc thống kê hiện trạng tài sản nhà nước trong cả nước vẫn chưa hoàn thành. Nhiều tỉnh, thành phố chưa công khai quy hoạch, kiến trúc, chưa có kế hoạch, quy hoạch quỹ đất để tái định cư, quy trình thẩm định giá hiện hành tồn tại nhiều điểm không phù hợp với thực tế, quy trình bán đấu giá chưa được triển khai rộng rãi. Nguyên nhân của tình trạng lình xình này là thể chế chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghiêm túc.

Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước mới chỉ quy định chung chung: Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đại diện chủ sở hữu công ty nhà nước không thực hiện đúng quy định của quyết định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước thì ngoài việc bị xử lý theo quy định còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trường hợp cơ quan, đơn vị không thực hiện kê khai báo cáo, không thực hiện phương án xử lý đã được cấp có thẩm quyền quyết định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cơ quan, đơn vị đó không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, Kho bạc Nhà nước được phép ngừng cấp kinh phí đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc đối với các cơ sở nhà, đất có vi phạm; đồng thời thủ trưởng cơ quan, đơn vị bị xử lý theo quy định.

Cơ quan có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước đang lúng túng trong việc đề ra các giải pháp khả thi cho các nhiệm vụ này. Như vậy, việc quản lý tài sản nhà nước không những cần ban hành một thể chế đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, mà còn cần có những chủ trương đồng bộ, triệt để. Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước sẽ không phát huy hiệu lực nếu thiếu các biện pháp quản lý hành chính đồng bộ và bộ máy thực thi hiệu quả.

Công sản trị giá bao nhiêu?

Theo báo cáo của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, tính đến ngày 24-6-2010, số tài sản nhà nước đã đăng ký tại các đơn vị là 1.186.797 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế con số này sẽ còn lớn hơn nữa vì còn nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước chưa báo cáo thống kê tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý và Cục Quản lý công sản cũng mới chỉ thống kê trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, tổ chức chứ chưa thể đánh giá mức độ chính xác của các báo cáo này.

Theo báo cáo này, hầu hết tài sản nhà nước là nhà đất (chiếm 97%), chủ yếu do các cơ quan địa phương nắm giữ (chiếm 80%), giá trị còn lại của tài sản là nhà của các cơ quan trung ương chỉ bằng 0,05% so với giá trị ban đầu, của các cơ quan địa phương còn 0,66% so với giá trị ban đầu.

Một số bộ, cơ quan có rất nhiều trụ sở như Bộ Tài chính (4.416 trụ sở), Bộ Tư pháp (700 trụ sở), Bộ Tài nguyên và Môi trường (517 trụ sở), tỉnh Gia Lai (1.100 trụ sở), Tây Ninh (781 trụ sở), Yên Bái (371 trụ sở)… Tài sản nhà nước giao cho các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng lại càng lộn xộn, chưa được thống kê đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp nhà nước lấy danh nghĩa liên doanh, liên kết sử dụng đất đai, trụ sở để cho thuê, các cơ quan quản lý doanh nghiệp (bộ, ngành, ủy ban nhân dân địa phương) cũng không quản lý nổi, vì vậy thất thoát chắc chắn là rất lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới