Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãng phí… nhà văn hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãng phí… nhà văn hóa

Đức Khánh

Nhà Văn hóa xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long hoạt động cầm chừng, thường xuyên đóng cửa.

(TBKTSG) – Do chạy theo thành tích, để đạt tiêu chuẩn “xã văn hóa”, hàng loạt nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng tiêu tốn tiền tỉ nhưng hoạt động không hiệu quả, nhiều nơi còn bỏ hoang, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Ở huyện Trà Ôn, nhà văn hóa xã Thiện Mỹ, nằm trên khuôn viên 2.000 mét vuông, có tổng kinh phí xây dựng 1,2 tỉ đồng, được xem là một trong những nhà văn hóa xã thuộc dạng hoành tráng nhất của tỉnh Vĩnh Long.

Nhà văn hóa này bao gồm phần nhà, có diện tích xây dựng khoảng 200 mét vuông với các phòng chức năng như: phòng đọc sách, hội trường, phòng truyền thống, phòng truyền thanh…, có đầy đủ trang thiết bị cho hoạt động. Tuy nhiên, từ sau khi hoàn thành, nhà văn hóa này chỉ hoạt động cầm chừng và thường xuyên đóng cửa.

Tính đến hết tháng 6-2010, Vĩnh Long đã xây dựng mới thêm sáu nhà văn hóa. Nhưng có đến hai nhà văn hóa – ở xã Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm) và xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh) – đã khánh thành nhưng chưa hoạt động vì không có thiết bị và kinh phí.

Theo phân loại chất lượng hoạt động, trong tổng số 35 nhà văn hóa xã hiện có trong tỉnh, chỉ có bảy nhà văn hóa đạt loại khá; còn lại chất lượng hoạt động trung bình, yếu kém. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, một số nhà văn hóa xã đã nhiều năm hoạt động yếu như nhà văn hóa Nguyễn Văn Thảnh, Tân Lược không phát huy hiệu quả, đã sửa chữa nhiều lần và đến nay vẫn đóng cửa.

Tình trạng trì trệ, hoạt động cầm chừng của các nhà văn hóa không chỉ riêng ở Vĩnh Long mà rất phổ biến ở các tỉnh, thành khác trong khu vực. Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, thành phố này có khoảng 40% nhà văn hóa xã, phường không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên.

“An Giang từng được xem là một trong những địa phương có phong trào xây dựng nhà văn hóa xã, phường phát triển khá mạnh ở ĐBSCL. Nhưng hiện tại toàn tỉnh có 67 nhà văn hóa, thì có đến một phần ba hoạt động không hiệu quả, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng chưa thu hút được người dân vào tham gia sinh hoạt”, ông Ngô Quang Láng, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, nhận định.

Ông Nguyễn Tố Tranh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: trung bình kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa xã khoảng từ 500-600 triệu đồng, bao gồm thư viện, phòng đọc sách, nhà truyền thống, câu lạc bộ đờn ca tài tử…

Theo ông Tranh, sở dĩ các nhà văn hóa xã bấy lâu nay hoạt động không hiệu quả một phần là do việc bố trí cán bộ phụ trách nhà văn hóa xã không phù hợp năng lực, từ đó không phát huy được hiệu quả công việc. Trong khi đó, nếu đúng theo tiêu chí, cán bộ phụ trách nhà văn hóa phải có trình độ chuyên môn ít nhất là trung cấp văn hóa. Nhưng thực tế, phụ trách nhà văn hóa thường chỉ là công tác kiêm nhiệm của cán bộ phụ trách văn hóa xã hội ở xã.

Cũng theo ông Tranh, việc các nhà văn hóa xã hoạt động không hiệu quả, ngày một xuống cấp một phần do tâm lý ỷ lại của các cán bộ phụ trách. Mặt khác, một số cán bộ nhà văn hóa xã chưa phát huy vai trò, thiếu linh hoạt chủ động, sáng tạo, hoạt động kiểu sao chép hay làm theo thời vụ.

Sở dĩ các tỉnh, thành ở ĐBSCL ồ ạt xây dựng nhà văn hóa vì theo tiêu chí, phải có nhà văn hóa thì mới được công nhận danh hiệu xã, phường đạt tiêu chuẩn văn hóa. Cũng chính vì tiêu chí này, nhiều xã, phường đã xây dựng các nhà văn hóa theo kiểu lắp ghép, tạm bợ, tùy tiện, mạnh ai nấy làm nhằm chạy theo thành tích.

Để “cứu vãn” các nhà văn hóa xã, từ năm 2008, tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường kinh phí hoạt động hỗ trợ cho các nhà văn hóa xã, thường xuyên tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý. Song song đó, ngoài số tiền ngân sách cấp từ 5-7 triệu đồng/tháng, mỗi nhà văn hóa xã còn được cấp kinh phí hoạt động 20 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nhiều cán bộ quản lý nhà văn hóa xã không biết sử dụng nguồn kinh phí này vào đâu, có nơi lại chi sai mục đích. Đúng là không biết bao nhiêu tỉ đồng để chi cho những nhà văn hóa, để rồi bỏ xó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới