Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãng phí sàn giao dịch việc làm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãng phí sàn giao dịch việc làm

Thanh Thương

Ứng viên viết đơn xin việc tại một sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Sàn giao dịch việc làm được tổ chức khá thường xuyên trong nước, tuy vậy, theo đánh giá của các cơ quan quản lý lao động thì hoạt động của các sàn này chưa hiệu quả trong khi kinh phí đầu tư khá lớn.

Mới đây, Trung tâm giới thiệu việc làm TPHCM đã tổ chức một phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 46 doanh nghiệp, trong đó có 35 doanh nghiệp đăng tuyển lao động trên Cổng thông tin việc làm quốc gia www.vieclamvietnam.gov.vn và website www.vieclamhcm.net của Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM.

Tại phiên giao dịch này, tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia đăng tuyển là trên 4.500 lao động, tuy vậy chỉ có 1.146 lao động đến sàn đăng ký tìm việc và 354 người đăng ký qua 2 trang web nói trên. Kết quả chỉ có 607 người có được việc làm.

Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong một báo cáo mới nhất cho biết, hiện tại tỷ lệ người tìm việc qua các trung tâm giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch việc làm chỉ đạt 14%, tỷ lệ người sử dụng lao động tìm người qua trung tâm cũng chỉ mới đạt 16%. Trong khi đó mức đầu tư cho một sàn giao dịch việc làm khoảng từ 5-7 tỉ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM thì tại thành phố nhu cầu tuyển dụng lao động tăng liên tục theo tháng. Điển hình như nhu cầu nhân lực thành phố trong tháng 9 sẽ tiếp tục tăng trên 30% so với tháng 8. Dự kiến số chỗ việc làm trống trong tháng 9 toàn thành phố khoảng trên 45.000 người. Thế nhưng số lượng lao động mà doanh nghiệp tìm được qua sàn của TPHCM cũng chỉ khoảng 20% nhu cầu.

Trong khi đó, lượng lao động mà các sàn giao dịch tại tỉnh Bình Dương đáp ứng cho nhu cầu doanh nghiệp cũng chỉ khoảng 15%, trong đó lao động phổ thông, sơ cấp nghề chỉ đáp ứng được 10%.

Theo nhận xét của Cục Việc làm thì hiện nay có 44 tỉnh, thành có đầu tư thành lập sàn giao dịch việc làm. Tuy nhiên, các sàn này hoạt động không đều đặn. Một số tỉnh khai trương phiên đầu tiên xong không hoạt động nữa. Hầu hết tại các sàn có hoạt động thì chủ yếu cũng chỉ giao dịch 1 phiên/tháng.

Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM, sở dĩ có tình trạng trên là do sàn giao dịch việc làm chưa hoạt động đúng nghĩa, thiếu thông tin chính xác về vị trí tuyển dụng, đối tượng tuyển dụng.

Thêm vào đó, nhiều sàn cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp có uy tín và nhiều đối tượng lao động tham gia.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở TPHCM không lựa chọn kênh tuyển dụng qua sàn giao dịch này do lo ngại không tìm được lao động ưng ý trong khi doanh nghiệp phải trả phí cho các trung tâm. Nhiều doanh nghiệp thì đã có sẵn đội ngũ nhân sự và mở luôn phòng tuyển dụng tại công ty để có thể trực tiếp gặp ứng viên.

Đồng thời, tại các sàn giao dịch, doanh nghiệp chỉ dừng ở mức độ sơ khảo chứ chưa lựa chọn và trả lời ngay cho ứng viên mà bắt người lao động chờ đợi và phỏng vấn lần hai tại doanh nghiệp, dẫn đến kết quả giao dịch tại sàn không cao, người lao động cũng không mặn mà với các sàn giao dịch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới