Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãng phí vẫn tràn lan dù có luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãng phí vẫn tràn lan dù có luật

Tư Hoàng

Lãng phí vẫn tràn lan dù có luật
Lãng phí đất đai vẫn rất nghiêm trọng. Ảnh TL SGT Online.

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan ngại về tình trạng lãng phí tràn lan trong mọi lĩnh vực khi thảo luận dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi hôm 18-6.

>>> Nhiều dự án vốn trái phiếu tăng lớn về quy mô

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nói: “Các đồng chí đi nước ngoài mà xem, có muốn lãng phí cũng không được, họ thiết kế các chế tài, công nghệ của họ là không thể lãng phí được. Nhưng ta thì lãng phí thoải mái, lãng phí rất dễ, không ngăn ngừa được”.

Ông Thạch bổ sung: “Chúng ta phải coi lãng phí là một quốc nạn…”.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng tình trạng lãng phí ở Việt Nam hiện nay thực ra không kém gì tham nhũng.

Ông Kỳ bày tỏ quan ngại: “Lãng phí nó ghê gớm lắm. Bây giờ tham nhũng có con người cụ thể chúng ta bỏ tù được, rồi quy ra bao nhiêu điều, từ thanh tra, điều tra, truy tố đến xét xử, bao nhiêu chuyện rõ ràng, thu hồi được. Còn lãng phí thì nó vô cùng không định lượng được”.

Tuy nhiên, theo ông Kỳ, việc đưa ra các chế tài xử lý chưa được quan tâm đúng mức. Ông kiến nghị thay đổi tên luật thành Bộ luật Phòng chống lãng phí.

Trong khi đó, đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) nêu ví dụ về lãng phí lên tới “vài trăm tỉ đồng" trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 – 2012 mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu ra ngay tại kỳ họp này.

Ông nói Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo và làm việc với Chính phủ, 10 bộ ngành và 22 tỉnh thành phố. Sau đó, ủy ban tiếp tục xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, báo cáo giám sát của 39 đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành khác. Tuy nhiên, việc xử lý những lãng phí được phát hiện từ quá trình giám sát đó lại đáng quan tâm.

Ông Tân nêu hàng loạt câu hỏi: “Qua giám sát cũng không nêu lên được trong sử dụng mấy trăm ngàn tỉ đó tiết kiệm được bao nhiêu tiền? lãng phí bao nhiêu? nếu có lãng phí thì lãng phí ở đâu? trách nhiệm thuộc về ai? xử lý vấn đề lãng phí như thế nào?”

Ông nói tiếp: “Kết quả giám sát tối cao của Ủy ban thường vụ Quốc hội như vậy… thì quả thật chúng tôi rất băn khoăn”.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) lo ngại rằng, lễ hội được tổ chức tràn lan từ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, đến tận cấp thôn là biểu hiện lãng phí lớn.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, nhiều hội nghị của Chính phủ cũng rất lãng phí khi phải triệu tập 5 chức danh từ mỗi tỉnh về họp ở trung ương một ngày, trong khi có thể họp trực tuyến

Ông nói: “Đây là lãng phí lớn không những Chính phủ mà nhiều bộ, ngành cũng vậy”.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đòi hỏi phải công khai, minh bạch từ các cơ quan hành pháp: "Người đứng đầu thường chọn hình thức dễ nhất là công khai tại cuộc họp nội bộ. Thông tin không đến được các cơ quan dân cử và quần chúng là các chủ thể giám sát, nên việc công khai chỉ là hình thức".

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội khóa XI thông qua vào tháng 11 năm 2005.

Một báo cáo của Chính phủ gần đây cho thấy, tổng số xe ô tô công hiện có 34.565 chiếc. Tuy nhiên, tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán chỉ còn lại 5.886 tỉ đồng, bằng 32,25% tổng nguyên giá là 18.251 tỉ đồng.

Đầu kỳ họp Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngoài lương trong tám tháng cuối năm. Ước tính số tiền cắt giảm khoảng 4.000 tỉ đồng, trong đó địa phương 3.000 tỉ đồng, trung ương 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được thông qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới