Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãnh đạo Huawei bị bắt giữ, doanh nghiệp Mỹ lo bị trả đũa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãnh đạo Huawei bị bắt giữ, doanh nghiệp Mỹ lo bị trả đũa

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Canada bắt giữ Giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei là bà Meng Wanzhou theo yêu cầu của Mỹ, đã khiến các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc lo ngại sẽ trở thành mục tiêu các đòn trả đũa của Bắc Kinh.

Bà Meng bị nhà chức trách Mỹ cáo buộc sử dụng một công ty con của Hồng Kông để bán các sản phẩm công nghệ Mỹ cho các công ty viễn thông Iran, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Vụ bắt lãnh đạo Huawei phủ bóng lên đàm phán Mỹ – Trung

Trung Quốc chia rẽ về cách phản ứng vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei

Lãnh đạo Huawei bị bắt giữ, doanh nghiệp Mỹ lo bị trả đũa
Giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Meng Wanzhou (trái) trao đổi với luật sư tại phiên điều trần xem xét tại ngoại đối với bà ở tòa án tối cao tỉnh British Columbia, TP. Vancouver, Canada hôm 10-12. Ảnh: AP

Trung Quốc đứng trước áp lực trả đũa

Các chuyên gia tư vấn rủi ro và giới phân tích nhận định vụ bắt giữ bà Meng và yêu cầu dẫn độ bà về Mỹ có thể khiến Bắc Kinh đưa ra một số hình thức trả đũa nhằm vào các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc.

Nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của vụ bắt giữ với hãng tin CNBC, Art Cashin, Giám đốc phụ trách hoạt động môi giới của ngân hàng UBS ở Sàn giao dịch chứng khoán New York, cho rằng vụ bắt giữ Meng Wanzhou, con gái của ông Ren Zhengfei, người sáng lập kiêm chủ tịch Huawei “giống như Trung Quốc bắt giữ con trai của Steve Jobs (nhà đồng sáng lập kiêm cựu giám đốc điều hành của Apple) vậy”.

Nick Marro, nhà phân tích ở tổ chức tư vấn kinh tế Economist Intelligence Unit (Anh), nói: “Vụ bắt giữ sẽ thúc bách nhiều quan chức Trung Quốc phải tỏ ra mạnh mẽ. Điều này có nghĩa, Trung Quốc có thể theo đuổi lập trường mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ hoặc có quan điểm cứng rắn hơn đối với một số công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc”.

Jason Wright, người sáng lập của Công ty tư vấn Argo Associates, cho rằng vụ bắt giữ là “hành động gây hấn” và Trung Quốc sẽ buộc phải trả đũa. Ông nói: “Bất kỳ động thái trả đũa nào cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Nó có thể diễn ra dưới dạng một cuộc điều tra chống độc quyền hoặc tham nhũng (nhằm vào các công ty Mỹ)”.

Wang Xiangwei, cựu Tổng biên tập tờ South China Morning Post nhận định thời điểm bắt giữ bà Meng là có chủ ý, diễn ra đúng vào ngày Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump gặp nhau tại cuộc gặp cấp cao ở Argentina.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng ông biết kế hoạch bắt giữ bà Meng và Huawei cùng các tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc sẽ là “chủ đề chính” trong các cuộc thảo luận giữa các nhà đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Phát biểu của ông Bolton có thể củng cố lập luận Trung Quốc khi cho rằng vụ bắt giữ mang động cơ chính trị và nhóm quan chức có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Nhà Trắng đang sử dụng vụ bắt giữ để nâng cao lợi thế trong đàm phán thương mại.

Wang Xiangwei cho rằng nếu Trung Quốc đáp trả bằng cách bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ làm đổ bể thỏa thuận đình chiến thương mại mà hai nước vừa đạt được tại Argentina và đẩy họ vào một con đường nguy hiểm.

Theo Julian Ku, Giáo sư ở trường Luật thuộc Đại học Hofstra ở New York, dù vụ bắt giữ bà Meng có thể không liên quan đến các động cơ chính trị, ông vẫn lo ngại Trung Quốc sẽ không nhìn nhận như vậy và sẽ “trừng phạt một lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ” tại nước này.

Cân nhắc hạn chế đi đến Trung Quốc

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết tại một cuộc họp của chi nhánh Hội đồng tư vấn An ninh nước ngoài (OSAC) thuộc Cục An ninh ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Singapore hôm 6-12, đại diện an ninh của các công ty Mỹ bày tỏ lo ngại về nguy cơ Trung Quốc trả đũa nhằm vào các công ty và các thành viên ban lãnh đạo. Các đại diện an ninh này đến từ các công ty như Walt Disney, Alphabet, Google, Facebook và PayPal. Một số người nói rằng công ty của họ đang cân nhắc hạn chế những chuyến công tác không cần thiết đến Trung Quốc.

Trong khi đó, các chuyên gia tư vấn rủi ro ở châu Á cho biết nhiều khách hàng đang xin tư vấn về vụ Huawei và bày tỏ lo ngại vụ bắt giữ sẽ tác động đến công việc kinh doanh của các công ty Mỹ ở Trung Quốc. Jakob Korslund, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn rủi ro Deutsche Risk, có trụ sở ở Singapore cho biết trong những ngày vừa qua, công ty của ông đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn về các rủi ro khi đi đến Trung Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi đã khuyên một số khách hàng hoãn các chuyến công tác đến Trung Quốc nếu không quan trọng về mặt thời gian và nói với họ hãy đợi vài tuần nữa để xem tình hình thế nào”.

James McGregor, Chủ tịch phụ trách khu vực Trung Quốc của Công ty quan hệ công chúng APCO Worldwide nhận định các công ty Mỹ thiên về khả năng không cử các lãnh đạo đến đây vào thời điểm này.

Shaun Rein, người sáng lập hãng nghiên cứu thị trường China Market Research Group, nói: “Nếu tôi là một lãnh đạo cấp cao ở hãng tìm kiếm Google hay hãng công nghệ Cisco, tôi sẽ không đến Trung Quốc trong tương lai gần”.

Victor Shih, Phó Giáo sư ở trường Chiến lược và chính sách toàn cầu ở Đại học California tại San Diego cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vốn luôn có chút lo lắng khi đến Trung Quốc và vụ bắt giữ bà Meng sẽ khiến họ càng thêm thận trọng trước các kế hoạch đến đây.

Hôm 7-12, một số nhân viên của hãng công nghệ Cisco cho biết họ nhận được email của hãng yêu cầu hủy bỏ các chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc ngay lập tức. Tuy nhiên, sau đó, người phát ngôn của Cisco nói rằng đã gửi mail “nhầm” đến một số nhân viên.

Tân Hoa xã đưa tin hôm 9-2, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã triệu tập ông John McCallum, đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối vụ bắt giữ bà Meng Wanzhou. Ông Lạc Ngọc Thành yêu cầu Mỹ phải hủy bỏ lệnh bắt giữ, ngay lập tức “sửa chữa các hành động sai trái” và Trung Quốc sẽ có các biện pháp tiếp theo dựa trên phản ứng của Washington.

Hôm 10-12, phiên điều trần xem xét tại ngoại đối với bà Meng tiếp tục diễn ra tại tòa án tối cao tỉnh British Columbia ở thành phố Vancouver, Canada. Các luật sư của bà Meng nói rằng bà cần được tại ngoại vì sức khỏe kém do có tiền sử bệnh cao huyết áp, từng mắc bệnh ung thư tuyến giáp và đã phải phẫu thuật để chữa chứng ngưng thở khi ngủ

Các luật sư của bà Meng trình bày kế hoạch an ninh giám sát tại căn nhà trị giá nhiều triệu đô la của bà ở Vancouver nếu bà được tại ngoại. Họ cho biết bà sẽ đeo vòng định vị điện tử và được chồng bà giám sát đồng thời bà sẽ dùng các bất động sản ở Canada và khoản tiền mặt trị giá hơn 11 triệu đô để thế chấp trong thời gian tại ngoại.

Tuy nhiên, thẩm phán nghi ngờ liệu chồng bà Meng, vốn không phải là người thường trú ở Canada, có thích hợp vai trò giám sát hay không. Luật sư của Bộ Tư pháp Canada vẫn giữ quan điểm bà Meng có nguy cơ trốn chạy nên không thể cho phép tại ngoại. Cuối cùng, thẩm phán vẫn chưa ra quyết định và phiên tòa xem xét tại ngoại sẽ tiếp tục vào ngày hôm nay (11-12).

Theo WSJ, SCMP, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới