Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãnh đạo TPHCM lo ngại tình trạng giải ngân đầu tư công còn quá thấp

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong 7 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TPHCM chỉ đạt khoảng 26%, một tỷ lệ rất thấp so với mức giải ngân chung của cả nước là hơn 34,4%. 

Đến nay TPHCM có đến 100 dự án hoàn toàn chưa giải ngân được và 12 dự án giải ngân dưới 10%.

Đây là một trong những tồn tại lớn mà lãnh đạo thành phố đặt ra với các sở ngành tại cuộc họp ngày 4-8 về tình hình kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2022 để tìm cách tháo gỡ. Mức giải ngân vốn đầu tư công rất thấp chưa tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội và phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới chỉ được 26% là rất thấp, chưa tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội và phát triển kinh tế. Ảnh: TTBC TPHCM

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến hết tháng 7 mới chỉ được 26% là rất thấp, đồng thời đề nghị phải phân tích, đưa ra giải pháp khắc phục.

“Đầu tư công chậm sẽ không dẫn dắt được kinh tế xã hội”, ông Mãi nói và ông định hướng rằng: “Thủ tục hành chính, giải ngân đầu tư công, công tác quy hoạch là những vấn đề cần bàn giải pháp”.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh với các sở ngành rằng Thủ tướng Chính phủ cũng vừa nhắc nhở TPHCM về vấn đề cần phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Qua giám sát của Hội đồng Nhân dân TPHCM thì đến thời điểm này thành phố có đến 100 dự án giải ngân bằng 0 và 12 dự án giải ngân dưới 10%. Trong đó có 4 dự án dưới 200 tỉ đồng, mới giải ngân khoảng 10%…

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ông Trần Quang Lâm, cho biết các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, cấp thoát nước, cải thiện môi trường đều chậm.

Theo ông Lâm, khâu vướng lớn nhất là giải phóng mặt bằng chưa có chuyển biến dù vốn đã được bố trí. Trong khi đó, các dự án PPP phải tạm dừng sau các kết luận thanh tra, kiểm toán. “Cần tập trung tháo gỡ, nói rõ với nhà đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư và cần xây dựng quy trình để giải quyết những dự án cũ cũng như xúc tiến đầu tư các dự án mới”, ông Lâm kiến nghị.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chậm. Dù đã áp dụng những ứng dụng công nghệ, tuy nhiên chất lượng tham gia góp ý giữa các sở, ngành đơn vị còn chưa cao.

“Chúng ta cứ nói cải cách thủ tục nhưng chất lượng tham gia ý kiến cần nâng lên. Các sở, ngành muốn chạy nhanh, muốn việc bớt quay vòng thì khi đóng góp ý kiến, tham mưu cần giảm các nội dung không chất lượng”, ông Lâm nêu.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cũng dẫn chứng dù sở đã được giao ngân sách nhưng chưa thể thực hiện công việc do chưa nhận được góp ý từ những đơn vị khác. Do đó, từ lúc xin chủ trương đến triển khai thực hiện, đơn vị này có thể mất nhiều tháng cho một phần việc có thể thực hiện nhanh hơn. Chưa kể, khi hỏi ý kiến các sở ngành khác mà chậm trả lời cũng không làm được.

Giám đốc Sở Công Thương cho rằng muốn giải quyết nhanh hồ sơ thì cần tăng trách nhiệm của các sở chuyên ngành. “Hiện nay chúng ta hỏi ý kiến rất nhiều, chúng tôi cũng phải trả lời các sở khác. Việc này rất mất thời gian”, ông Vũ nói, và đề xuất: “Thường trực UBND TPHCM cho chủ trương một lần rồi thực hiện”.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, ông Trần Quang Lâm nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: TTBC TPHCM

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công còn do việc thẩm định giá bồi thường ở các quận, huyện bị chậm trễ, hồ sơ hiện chưa trình lên Sở Tài nguyên và Môi Trường…

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành về bất cập trong công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá năng lực tiếp nhận, phối hợp xử lý các vấn đề là điểm vướng của địa phương. Điểm nghẽn này cần được tháo gỡ để mọi phần việc chạy nhanh hơn, đầu tư công, đầu tư xã hội đạt hiệu quả hơn.

Theo ông, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần xem lại tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn giải quyết công việc ở từng nơi. Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở ngành, quận, huyện cần xem xét lại quy trình để nhắc nhở, điều chỉnh; tập trung quyết liệt mọi giải pháp để đẩy nhanh đầu tư công, từ đó dẫn dắt doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thừa nhận khuyết điểm của TPHCM về giải ngân đầu tư công vẫn chậm so với tiến độ. Tuy nhiên, theo ông, hàng năm thành phố được Trung ương giao chỉ tiêu về đầu tư công và thành phố sẽ bố trí vốn theo khả năng thu của mình. Thành phố sẽ tập trung khai thác các nguồn thu để bảo đảm bố trí đủ vốn theo chỉ tiêu Trung ương giao, sau đó sẽ đặt vấn đề nới rộng mức trần trung hạn như đã báo cáo Chính phủ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Cũng lạ kỳ. Cứ thúc giục mãi mà đầu tư công không nhúc nhích giải ngân được bao nhiêu. Tiền treo tài khoản mãi nhưng không tiêu được. Đây chắc chắn không phải là cách điều hành bài bản. Cần phải nhìn rõ làm rõ lý do và bản chất vấn đề để có hướng giải quyết một cách rốt ráo. Nếu kéo dài tình trạng này, nguy hiểm ở chỗ cứ thúc tiêu tiền thì tất yếu dẫn đến tiêu ẩu, tiêu tùy tiện. Đầu tư công cũng là tiền của dân, không thể vì thành tích nào đó mà cứ tiêu pha kiểu được chăng hay chớ.

  2. Có tiền đâu mà giải ngân ,tuyến metro2 đang GPMB cũng đâu có tiền trả cho các hộ dân còn lại ,giá đất nhà tăng lên lại thêm khiếu kiện làm kéo dài ,rồi qua năm bỏ khung giá đất không lẽ lại chờ duyệt tiền đền bù tăng lên?!!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới