Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao đao lao động tại doanh nghiệp nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao đao lao động tại doanh nghiệp nước ngoài

Trần Bảo Trực đang thu dọn hành lý để về quê tại tình Đồng Nai. Trực là một trong số hơn 100 công nhân của Công ty CXTech tại khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM bị mất việc do công ty thu hẹp quy mô sản xuất – Ảnh: Văn Nam.

(TBKTSG Online) – Đã có thời nhiều người Việt Nam cảm thấy tự hào khi được làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì lương bổng và chế độ đãi ngộ thường cao hơn các doanh nghiệp trong nước, nhưng nhiều người trong số họ hiện đang lao đao vì bị thất nghiệp.

Tại các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB-XH) của TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, danh sách về số công nhân bị mất việc tăng dần, nhất là trong khối doanh nghiệp FDI. Lý do là vì các doanh nghiệp này đã đóng cửa nhà máy, thu hẹp quy mô sản suất hay làm đơn phá sản do kinh doanh ế ẩm vì bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Hàng chục ngàn người đã mất việc

Cho đến nay chưa có số liệu chính thức về số người thất nhiệp tại Việt Nam, nhất là tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng theo số liệu mới nhất về lao động mất việc thì hơn 75% là số công nhân từng làm việc tại các doanh nghiệp FDI.

Theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, tính đến ngày 31-12-2008, có 10.726 người lao động mất việc, trong đó 7.624 lao động từng làm việc cho các doanh nghiệp FDI.

Số người mất việc từ các doanh nghiệp FDI tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng chiếm nhiều hơn cả. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai Lâm Duy Tín cho biết 22 doanh nghiệp FDI tại tỉnh này đã cắt giảm lao động, và số người bị ảnh hưởng là khoảng 3.400.

Ông Tín nói cơ quan này đang liên tục cập nhật số người bị thất nghiệp tại tỉnh vì diễn biến sắp tới chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn.

Tại Bình Dương, đã có hơn 2.500 lao động mất việc tính đến tính đến hết năm 2008, trong đó có 600 công nhân của Công ty may túi xách Joon Saigon 2 thuộc tập đoàn Pungkook (Hàn Quốc). Công ty vệ tinh như Joon Saigon đành phải giải thể do không còn nhận được đơn hàng từ công ty mẹ.

Bà Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý lao động các Khu công nghiệp Bình Dương, cho biết trong 26 doanh nghiệp báo cáo về tình hình cắt giảm nhân sự thì các doanh nghiệp FDI chiếm đa số.

Vẫn chưa là thời kỳ khó khăn nhất

Các chuyên gia dự báo danh sách người bị thất nghiệp tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục dài thêm trong thời gian tới, có thể lên đến cả triệu người vì theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Malaysia tại Việt Nam, bà Shimi Sumathi Muthu Kunju, thì thời kỳ khó khăn nhất vẫn chưa đến.

Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM, nói tình hình khó khăn, mất việc sẽ trầm trọng hơn rất nhiều sau Tết. Cùng quan điểm với ông Danh, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany nói việc các công ty buộc phải cắt giảm nhân sự có thể kéo dài đến quí 4-2009.

Ông Cany nói, ông chưa nghe gì về các công ty thành viên EuroCham có kế hoạch cắt giảm nhiều lao động, nhưng cho biết một số doanh nghiệp cũng phải tính đến cắt giảm lao động vì đơn hàng của họ cho năm 2009 đã bị giảm đáng kể.

Bà Nam thông tin rằng ít nhất đã có giám đốc của hai doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ trốn về nước và chưa trả tiền lương cho 915 công nhân từ tháng 10, 11.

Tuy nhiên, sa thải công nhân không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp FDI tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn tại các khu vực khác. Lĩnh vực sản xuất được báo cáo là có số lượng nhiều người thất nghiệp nhất.

Công ty Orion Hanel, liên doanh giữa Hanel và đối tác Orion (Hàn Quốc) với số vốn đầu tư trên 178 triệu đô la Mỹ, trong đó phía Hàn Quốc góp 70%, đang làm đơn xin phá sản sau 16 năm hoạt động tại Hà Nội. Điều này có nghĩa là nhiều lao động của công ty sẽ không thể tham gia vào sản xuất đèn hình và phụ kiện cho ti vi và máy tính của công ty được nữa như họ đã làm trong 16 năm qua.

Trước đó, Sony cũng quyết định đóng cửa nhà máy ở Việt Nam vì lý do muốn thay đổi chiến lược, chuyển sang thương mại cũng khiến khoảng 200 công nhân mất việc làm.

Tưởng đâu, khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất ô tô tại Mỹ, châu Âu và Nhật, nhưng đã ảnh hưởng đến các công ty ô tô hoạt động tại Việt Nam, một thị trường đã từng có thời sốt vì cung không đủ cầu và khách hàng phải đặt tiền cọc vài tháng trước khi nhận được xe.

Một nguồn tin từ Công ty Ford Việt Nam cho biết, công ty đã hoàn tất việc điều chỉnh nhân sự như kế hoạch đề ra từ cuối tháng 10-2008. Mặc dù việc kinh doanh của công ty năm 2008 vừa qua đạt mức tăng trưởng cao nhất tăng đến 5% so với năm 2007 nhưng có khoảng 20% nhân viên là khối hành chính chịu ảnh hưởng của kế hoạch cắt giảm nhân sự phù hợp với nhu cầu kinh doanh hiện tại, đảm bảo khả năng cạnh tranh và phát triển trong tương lai của công ty.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ô tô đang kêu khó vì thị trường bị giảm sút nghiêm trọng trong những tháng cuối năm 2008, ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của họ cũng như giữ chân nhân sự trong công ty.

Ông Gan Kok Seng, Phó tổng giám đốc phụ trách khối ô tô của Công ty Honda Việt Nam, và đại diện nhiều hãng sản xuất ô tô khác dự báo thị trường năm 2009 sẽ tiếp tục giảm sút và mức giảm sẽ lên đến ít nhất là 30% nếu tình hình kinh tế thế giới không được cải thiện.

Doanh nghiệp và người lao động phải làm gì?

Ông Cany cho rằng đối thoại theo hướng xây dựng giữa đại diện công đoàn lao động và chủ doanh nghiệp thì tốt hơn là đình công – Ảnh: Văn Nam

Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM cho rằng các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng cầm cự, tránh cắt giảm biên chế để không phải khó khăn khi tìm kiếm công nhân như trước đây. Ông nói thêm các doanh nghiệp cũng đã dự định cả phương án nếu giải thể thì liên đoàn lao động có thể tìm doanh nghiệp khác để công nhân không bị mất việc.

Ông nói việc các công ty nhận công nhân thôi việc từ các công ty khác cũng đã giải quyết phần nào việc thiếu việc làm cho người lao động, nhưng tình hình này sẽ không kéo dài lâu, khi mà các đơn hàng từ châu Âu và Mỹ đã bắt đầu giảm mạnh thì kể cả những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng như bây giờ cũng đành chấp nhận chịu chung số phận.

Ở khía cạnh nhà đầu tư nước ngoài, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói rằng, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp thành viên của EuroCham áp dụng là cắt giảm chi phí, kể cả chi phí dành cho nhân viên Việt Nam và nước ngoài. Theo ông Cany, cắt giảm biên chế cũng là một cách để cắt giảm chi phí nhưng đây thường là cách cuối cùng mà các doanh nghiệp buộc phải áp dụng khi kinh doanh giảm sút trong thời gian dài.

Còn bà Shimi Sumathi Muthu Kunju, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Malaysia, thì cho rằng chủ doanh nghiệp nên ngồi trao đổi với công nhân để nói rõ lý do tại sao họ buộc phải cho họ nghỉ việc hơn là “lẳng lặng” cho họ nghỉ.

“Chủ doanh nghiệp cũng chẳng vui gì khi buộc phải cho công nhân nghỉ việc”, ông Cany nói, và cho rằng đối thoại theo hướng xây dựng giữa đại diện công đoàn lao động và chủ doanh nghiệp thì tốt hơn là đình công. “Đình công cũng chẳng giải quyết được gì khi doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động”.

Ông Cany nhấn mạnh rằng tất cả các bên liên quan (chủ doanh nghiệp, công nhân…) phải tôn trọng Luật Lao động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cắt giảm biên chế trong tình hình khó khăn hiện tại.

Bà Kunjunhận định rằng vẫn chưa rõ rằng và các doanh nghiệp Malaysia đang chờ diễn biến tình hình tại Việt Nam. Tuy nhiên, bà nói rằng nhiều doanh nghiệp Malaysia vẫn đang đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư ngay trong lúc khó khăn vì “họ nhìn thấy nhiều tiềm năng tại thị trường này”.

THƯƠNG – BÌNH – HÙNG

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới