Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH

Thùy Dung

Lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH
Tất cả lao động khi rời khỏi Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, kể từ đầu năm 2016, tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài dù đã đóng hay chưa đóng bảo hiểm xã hội trước đó, khi rời khỏi Việt Nam sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới được Chính phủ ban hành, người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1-1-2016 thay cho quy định của Luật BHXH 2006, tức chỉ lao động làm việc ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới phải tham gia.

Theo nghị định này, đối tượng áp dụng thuộc các nhóm gồm hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghê; và Hợp đồng cá nhân.

Như vậy, bất kể lao động Việt Nam có đóng hay không đóng BHXH trước đó khi rời khỏi Việt Nam đều phải đóng BHXH bắt buộc. Về tiền lương làm cơ sở đóng BHXH, theo Nghị định, từ đầu năm 2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương; từ năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Theo một chuyên gia về BHXH, đây là những điểm mới nhất trong nghị định, song nghị định mới được ban hành đầu tháng 11, chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn cho việc áp dụng.

Theo vị chuyên gia này, đối với 250 đơn vị dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thì họ có trách nhiệm phải thu số tiền BHXH của người lao động. Song, đối với trường hợp người lao động đi làm việc thông qua các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ở các tỉnh, thành phố hoặc đi theo hình thức hợp đồng cá nhân thì nghị định vẫn chưa nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm thu khoản tiền BHXH bắt buộc này.

Hơn nữa, nghị định có hiệu lực từ năm 2016 nhưng đối với những hợp đồng lao động đã ký từ trước năm 2016 nhưng đến năm 2016 mới đi thì chưa rõ liệu họ có phải đóng BHXH hay không và đóng như thế nào?

Thực tế, mỗi năm có khoảng 80.000 đến 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nên việc đưa lao động này vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ nhanh chóng mở rộng đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này song cần phải có những hướng dẫn cụ thể và tuyên truyền để các đơn vị có liên quan hiểu và áp dụng.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 11 tháng năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 109.252 lao động, vượt 15% kế hoạch năm 2015 và bằng 110,64%% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường dẫn đầu là Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia…

Đọc thêm:

Hơn 50 năm nữa mới bắt kịp Thái Lan về năng suất lao động

9 tháng đầu năm xuất khẩu lao động cao hơn mục tiêu

Xuất khẩu lao động nghèo: Chi phí nhiều, hiệu quả ít

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới