Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động nhập cư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động nhập cư

TS. Nguyễn Sỹ Phương (Đức)

Một công nhân Hàn Quốc làm việc trong xưởng chế biến gỗ ở TPHCM. Ảnh:”Lê Toàn.

(TBKTSG) – Nhanh chóng đuổi kịp thế giới hiện đại không có nghĩa nước ta sẽ đạt tới tiềm lực kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần ngang ngửa họ, mà với những vấn đề quốc kế dân sinh có tầm quan trọng nảy sinh, nước ta không phải đối mặt hoặc chỉ cần giải quyết như kinh nghiệm họ tích lũy xưa nay là xong. Vấn đề lao động nhập cư bùng nổ mới đây ở ta là một điển hình.

Từ cách ra đời của một chính sách

Tây Đức vào những thập niên 1950-1970, do thiếu hụt lao động đã phải nhập khẩu từ nhiều nước; đông nhất là từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đến năm 1973, năm nước Đức bùng nổ nạn thất nghiệp, buộc phải chấm dứt chính sách nhập khẩu lao động, nhưng vẫn còn tới 910.525 lao động người nước ngoài.

 Khác với hàng hóa, đối tượng nhập khẩu là lao động nhưng tới làm việc lại là con người, hình thành nên khái niệm lao động nhập cư, không thể đối xử phân biệt khác với lao động bản địa. Vì thế, tận 20 năm sau, năm 1993, lao động nhập cư Đức được quyền ở lại định cư lên tới 2.183.579, chiếm 9,4% lao động Đức.

Mãi đến năm 2000, khi thế giới hội nhập và tin học bùng nổ, trong một lần thăm hội chợ tin học quốc tế Cebit Hannover, Thủ tướng Đức Schröder lúc đó mới nảy ý tưởng nước Đức cần nhập khẩu chuyên gia công nghệ cao, khởi đầu cho chính sách về lao động nhập cư mới.

Từ ý tưởng, Schröder cho thành lập ủy ban nghiên cứu nhập cư lao động, do cựu chủ tịch quốc hội đứng đầu, kéo dài cả năm trời, khẳng định ý tưởng ở mức lượng hóa.

Chẳng hạn, nếu nhập cư một chuyên gia công nghệ cao sẽ tạo ra được ba chỗ làm việc mới, một con số rất có ý nghĩa khi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đang trên dưới 10%. Một dự luật nhập cư có căn cứ thực tế đó được chính phủ đệ trình Hạ và Thượng viện.

Tuy nhiên, bất cứ chủ trương chính sách nào, cũng chỉ là sản phẩm của con người. Bản thân nó là một phương án lựa chọn, không phải chân lý. Dự luật nhập cư Đức vì vậy phải sửa đi sửa lại, đẩy lên đẩy xuống, mất hai lần qua Hạ viện, hai lần qua Thượng viện, một lần qua Tòa án Hiến pháp Liên bang, mãi bốn năm sau mới được ban hành vào tháng 5-2005, nhưng cũng chỉ được hai năm, năm 2007 đã phải sửa đổi.

Ngược lại, ở ta, Quốc hội không có một chủ trương hay dự luật nào để có thể bàn thảo thấu đáo về một chính sách đối với lao động nhập cư. Nó không được một văn bản lập pháp nào điều chỉnh, phó thác cho cơ quan hành pháp quản lý bằng văn bản lập quy, chỉ thị mệnh lệnh. Cái gì cũng có giá, một văn bản lập pháp ban hành phức tạp, hiệu quả khác hẳn văn bản lập quy ban hành dễ dàng. Quản lý theo kiểu hành chính mệnh lệnh, hiệu quả tùy thuộc vào nhận thức và cố gắng của người hành xử khác với bằng pháp luật diễn ra tự động buộc mọi chủ thể phải chủ động thực thi chấp hành nếu không sẽ bị chế tài.

Đến nội dung của chính sách

Luật nhập cư của họ đặt trách nhiệm cho bộ nội vụ cấp giấy phép lưu trú, bộ lao động chuẩn y mục đích lao động của lưu trú, chia lao động nhập cư thành ba đối tượng: cấp giấy phép lưu trú có thời hạn cho những lao động làm thuê phổ thông theo yêu cầu của nền kinh tế và các hiệp định song đa phương, cấp giấy phép lưu trú vô thời hạn cho lao động bậc cao (được xác định theo mức lương, không được dưới 64.000 euro/năm), và cấp giấy phép có thời hạn, sau năm năm chuyển sang vô thời hạn cho doanh nhân ngoại quốc đầu tư 1 triệu euro và tạo được 10 chỗ làm việc (nay được hạ xuống 250.000 euro và năm chỗ làm việc).

Để thực hiện đạo luật trên, cơ quan hành pháp Đức được luật ủy quyền ban hành các nghị định xác định chuẩn mực cho từng đối tượng chi tiết, áp dụng cho các công dân EU cũ được coi như công dân Đức; cho các công dân EU mới gia nhập, bị giới hạn; áp dụng cho các nước khác (Việt Nam thuộc số này) đối với lao động phổ thông gồm 40 điều khoản liệt kê tất tần tật các dạng lao động có thể có, từ lao động phục vụ việc nhà đến lao động do các công ty nước ngoài trúng thầu gửi tới, các lao động đi kèm chăm sóc gia đình, các lao động phục vụ ngắn ngày theo các đoàn triển lãm, biểu diễn, hay lắp đặt máy móc trong hợp đồng mua bán, các thực tập sinh, học nghề… Mỗi loại đối tượng chỉ được phép lưu trú với thời hạn nhất định và nếu thuộc diện xét duyệt sẽ tuân theo nguyên lý ưu tiên, chỗ làm việc trước hết dành cho người Đức, người EU, rồi đến người nước ngoài định cư ở Đức, chỉ khi không tìm được mới tới phần đón lao động từ nước ngoài.

Trong khi đó, ở ta, lao động nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc đang gây nhiều hệ lụy, lại là vấn đề tỏ ra rất nan giải. Dù dư luận có dồn tất cả bức xúc vào Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì cũng không xoay chuyển tình thế được mấy, bởi thiếu từ chủ trương cho đến luật pháp, lẫn trách nhiệm thực thi. Do vậy, như đã phân tích, hiệu quả hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, động cơ và cố gắng của cơ quan hành xử mọi cấp, vốn luôn có giới hạn, khác biệt nhau, nơi được nơi không, lúc sai lúc đúng, không thể xử lý trách nhiệm, cũng không thể viện đến tòa án phán quyết như ở Đức.

Luật chỉ mới là tiền đề thước đo pháp lý, mức độ thực thi tùy thuộc vào kiểm tra giám sát. Ở Đức, lao động nhập cư bị giám sát bởi Cơ quan kiểm tra lao động chui (người nước ngoài không giấy phép và người Đức khai thất nghiệp để hưởng tiền trợ cấp xã hội nhưng lại đi làm để lấy lương) mang tên FKS gồm 6.500 nhân viên phân bổ thành 113 chi nhánh trên toàn nước Đức; lao động nhập cư bị kiểm tra xem có giấy phép lao động không, điều kiện làm việc của họ có bị phân biệt so với người Đức không, chủ thuê lao động có thực hiện trách nhiệm khai báo, trích nộp bảo hiểm, thuế lương không.

Biện pháp kiểm tra của FKS có thể dưới dạng xác suất ngẫu nhiên nhưng cũng có thể hướng vào những chỗ có nhiều khả năng xảy ra lao động chui. Từ năm 1998, nhân viên FKS còn được giao cả chức năng của Viện Kiểm sát, có cả thẩm quyền như cảnh sát, được phép áp dụng tất cả các biện pháp trong điều tra hình sự hay vi phạm hành chính, như xác định nhân thân, thẩm vấn lấy khẩu cung, thu giữ các chứng cứ, lục soát, điều hành lực lượng bảo đảm an ninh, bắt tạm giam nghi phạm lao động chui, khởi tố. Mức phạt tới 5.000 euro đối với lao động vi phạm, và đối với doanh nghiệp sử dụng lao động đó mức phạt sẽ là 500.000 euro (tương đương doanh thu cả năm của một doanh nghiệp vừa ở Đức).

Theo số liệu thống kê có được gần nhất, năm 2006, chỉ riêng đối với các hãng xây dựng (thuê nhiều lao động nước ngoài), FKS đã kiểm tra tới 28.443 vụ. Trong khi ở ta, thực tế kiểm tra lao động nước ngoài ở các địa phương, như những gì công luận đăng tải lâu nay, đã tỏ ra bất khả thi và xử lý gần như bất lực, thiếu hẳn vai trò công tố và tòa án vốn giữ chức năng bảo vệ pháp luật của nhà nước pháp quyền.

Không thể bê nguyên xi cách xử lý của Đức vào Việt Nam, hai nước ở hai trình độ phát triển khác nhau, nhưng những nguyên lý phổ quát của thế giới hiện đại nằm trong đó, nếu không tuân thủ, không thể hy vọng được như họ, để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới