Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động nữ châu Á lao đao trong khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động nữ châu Á lao đao trong khủng hoảng

Nhiều lao động nữ ở châu Á là trụ cột của gia đình. Nếu họ mất việc, con cái và những người phụ thuộc bị ảnh hưởng ngay tức thì – Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến lao động nữ châu Á nghiêm trọng hơn lao động nam, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định trong một báo cáo mới đây.

Trong một nghiên cứu mang tên: “Khuynh hướng thuê lao động nữ trong năm 2009”, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Juan Somavia cho biết khủng hoảng kinh tế làm tăng số lao động nữ mất việc lên con số 22 triệu người.

Trong đó, lao động nữ làm việc trong những ngành xuất khẩu thâm dụng lao động của châu Á như da giày, dệt may đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.  

Tình hình bi đát

“Hãy giúp tôi kiếm tiền mua sữa nuôi con”, chị Benjawan Marongthong than vãn. Chị vừa bị sa thải khỏi một xí nghiệp may của Thái Lan lại phải nuôi hai cậu con trai nhỏ.

Là trụ cột duy nhất của cả gia đình, chị phải kiếm đủ tiền chi tiêu hàng tháng là 9.000 baht (khoảng 247 đô la Mỹ). “Tôi mong được chính phủ giảm mức đóng góp an sinh xã hội khoảng 400 baht/tháng (11 đô la Mỹ)”, chị Benjawan nói về khoản đóng góp bảo đảm xã hội mà người lao động nào cũng phải đóng.

Ở Thái Lan, 95% số lao động bị sa thải khỏi ngành dệt may là phụ nữ và trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi con số này là 88%. Còn ở Hàn Quốc, số lao động trong ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính mất việc đến 86% là phụ nữ”, bản báo cáo cho biết.

ILO dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương trong năm 2009 có thể tăng lên 6,8% (khoảng 8 triệu người). Trong năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp của công nhân nữ khu vực Đông Nam Á là 6% so với 5,8% của năm 2007.

Phần lớn phụ nữ châu Á hiện lao động ở cấp bậc thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu như làm việc tạm thời, ngoài hợp đồng hoặc không chính thức; chỗ làm việc không an ninh, lương thấp, điều kiện lao động nghèo nàn và được bảo đảm bằng hệ thống bảo hiểm xã hội thông thường, thậm chí ít có cơ hội tiếp cận với các chế độ bảo đảm xã hội.

Theo Ủy ban kinh tế-xã hội Liên hiệp quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 65% nữ lao động ở khu vực này là làm việc không chính thức, điều này có nghĩa là họ làm việc tạm thời và không được hưởng đầy đủ các quyền lợi như lao động có hợp đồng.

Thêm vào đó, công nhân nữ ở châu Á có khuynh hướng làm những công việc lương thấp, vì thế, họ tiết kiệm ít, cuộc sống của bản thân và những người phụ thuộc rất dễ bị tổn thương khi tiền lương bị cắt giảm.

Do đó, khi một nữ công nhân mất việc, nhiều người khác trong gia đình như con cái hay người phụ thuộc bị ảnh hưởng ngay lập tức. Đặc biệt, ở những gia đình nghèo, thu nhập của phụ nữ mang lại sự sống cho cả gia đình cũng như đảm đương phần chi tiêu cho chăm lo sức khỏe, học hành của con cái.

Một thăm dò của ILO ở Philippines nhận thấy rằng khi đàn ông mất việc, 65% các hộ gia đình cho biết thu nhập giảm. Nhưng nếu một phụ nữ thất nghiệp, 95% hộ gia đình cho biết không có tiền và giảm khẩu phần ăn.  

Giúp con cá hay cần câu?

Hội đồng phát triển kinh tế-xã hội Thái Lan dự đoán số phụ nữ Thái Lan thất nghiệp sẽ tăng lên 14,4% trong năm 2009 trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ là 2,5%.

Bộ trưởng Lao động Thái Lan Paitoon Kaewthong cho biết chính phủ nước này rất quan tâm đến số lao động bị sa thải, nhất là lao động nữ và đưa ra nhiều giải pháp nhằm xoa dịu những khó khăn đang đè nặng lên công nhân thất nghiệp.

Chính phủ Thái Lan đang tiến hành một gói kích thích kinh tế để ngăn chặn làn sóng sa thải hàng loạt. Trong đó, chính phủ sẽ chi khoảng 10 tỉ baht (khoảng 277 triệu đô la Mỹ) nhằm xoa dịu hậu quả của thất nghiệp đối với đời sống công nhân. Theo quyết định này, mỗi lao động, có thu nhập dưới 15.000 baht/tháng (411,78 đô la Mỹ) mức trợ cấp một lần là 2.000 baht (khoảng 55 đô la Mỹ).

Tuy nhiên, theo ILO, trợ cấp thất nghiệp không phải là giải pháp hiệu quả về lâu dài. ILO kêu gọi các nước hãy tạo thêm việc làm cho phụ nữ nếu như chính phủ không thể mở rộng dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và sự phát triển con cái cho đối tượng này.

“Các chiến lược tuyển dụng phải được tạo ra để tiếp cận phụ nữ. Chính phủ phải có chính sách chăm sóc sức khỏe cho con em lao động nữ đang thất nghiệp. Mọi gói kích thích kinh tế và tài chính phải bao gồm việc ủng hộ tài chính vi mô để giúp phụ nữ làm ăn nhỏ”, ILO đưa ra vài gợi ý.

Trong một đề nghị trình chính phủ, 46 tổ chức thuộc Hiệp hội công nhân nữ Thái Lan (Women Workers’ Unity Group) đã yêu cầu chính phủ thành lập các quỹ hỗ trợ công nhân thất nghiệp, thúc đẩy đào tạo kỹ năng làm việc cho công nhân ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm và giảm các mức đóng góp an ninh xã hội.

Theo Bộ trưởng Paitoon, Thái Lan hiện có khoảng 100.000 chỗ làm trống, vì vậy, Bộ Lao động sẽ tổ chức một hội chợ việc làm tại thủ đô Bangkok trong hai ngày 20 và 21-3.

MỸ HẠNH (Tổng hợp từ Reuters, AFP)

Châu Á sẽ có thêm 7,2 triệu người thất nghiệp

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo châu Á sẽ có thêm 7,2 triệu người thất nghiệp trong năm 2009 do tác động của suy thoái toàn cầu. Nếu tình hình bi quan hơn, số người mất việc có thể lên đến 22,3 triệu và thất nghiệp gia tăng có thể kéo theo những bất ổn xã hội.

Trong hai năm 2009-2010, châu Á cần thêm 51 triệu việc làm mới.

Tuy nhiên, theo ILO, có vẻ như lượng việc làm mới sẽ tạo ra khó bắt kịp với đà tăng trưởng của lực lượng lao động. Vì vậy, số người thất nghiệp sẽ gia tăng, lên khoảng 97 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp trung bình của các nước Đông Nam Á là 5,7% trong năm 2008. Riêng ở Thái Lan, tỷ lệ thất nghiệp là 1,3%, tức khoảng 530.000 người mất việc. Hội đồng phát triển kinh tế-xã hội Thái Lan dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ tăng lên 2,5% trong năm 2009. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có 900.000 người trong lực lượng lao động 37,6 triệu người của nước này sẽ bị sa thải.

M.HẠNH

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới