Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động Trung Quốc chật vật mưu sinh ở nước ngoài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động Trung Quốc chật vật mưu sinh ở nước ngoài

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Khi Trung Quốc trở thành nhà thầu xây dựng trên toàn cầu, ngày càng có nhiều công nhân Trung Quốc ra nước ngoài làm việc, chủ yếu ở các nước Đông Nam Á và châu Phi. Nhiều người phải làm việc quá giờ trong các môi trường không bảo đảm an toàn và chỉ được trả mức lương thấp, thậm chí còn bị nợ lương.

Dự án 3,8 tỉ đô nhiều tai tiếng của Trung Quốc ở Campuchia

Mỹ lo ngại điều kiện lao động của Foxconn tại Trung Quốc

Lao động Trung Quốc chật vật mưu sinh ở nước ngoài
Công nhân xây dựng Trung Quốc làm việc tại một dự án ở Zambia. Ảnh: Daily Mail

Bị nợ lương, tịch thu giấy tờ

Tuyệt vọng vì hết tiền do bị nợ hai tháng lương cũng như lo bị trục xuất do không có giấy tờ cư trú hợp pháp, Jiang Wei và hai đồng nghiệp gõ cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Lusaka của Zambia (Đông Phi) để tìm kiếm sự giúp đỡ. Jiang Wei than vãn: “Nhà thầu thuê chúng tôi làm việc đã thu giữ hộ chiếu và thị thực. Chúng tôi cũng không có hợp đồng lao động chính thức”.

Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của lãnh sự quán Trung Quốc, họ đã nhận lại được giấy tờ, được trả lương và mua vé máy bay về nước. Giờ đây họ vẫn chưa đòi lại được khoản tiền đặt cọc 15.000 nhân dân tệ (2.200 đô la) mà họ đã nộp cho công ty tuyển dụng họ ra nước ngoài lao động. Tình cảnh của họ cũng giống như nhiều công nhân Trung Quốc khác được các công ty trong nước tuyển ra nước ngoài lao động.

Suy thoái kinh tế đã khiến nhiều công nhân sẵn sàng đi ra nước ngoài làm việc với hy vọng nhận được mức lương cao hơn. Khi nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, việc làm càng khan hiếm hơn nên họ càng muốn ra nước ngoài mưu sinh.

“Đà tăng trưởng chững lại trong ngành xây dựng ở Trung Quốc không chỉ gây hiệu ứng tiêu cực lan sang lĩnh vực vật liệu và máy móc xây dựng mà còn nhân lực, cả công nhân lẫn chuyên gia”, Miriam Driessen, một học giả nghiên cứu Trung Quốc ở Đại học Oxford, Anh, nhận định.

Song các chuyên gia cảnh báo sự phát triển nhanh chóng hiện tượng lao động hợp đồng không chính thức khiến những công nhân như vậy dễ bị lạm dụng. “Các công ty xây dựng Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài thường mang theo công nhân trong nước ra nước ngoài làm việc cũng như các lề lối lao động lạm dụng bao gồm các ca làm việc kéo dài nhiều giờ, các điều kiện lao động không an toàn và chây ì hoặc không trả lương”, Aaron Halegua, luật sư kiêm nhà nghiên cứu ở Đại học Luật New York (Mỹ), nói.

Ông nói dù các công nhân Trung Quốc xin được thị thực hợp pháp để làm việc ở nước ngoài, họ thường bị ép buộc đóng các khoản phí hay tiền đặc cọc cho nhà thầu thuê họ và bị ép buộc ký các hợp đồng hạn chế các quyền lợi.

Kể từ khi Trung Quốc thông báo kế hoạch kết nối hơn 65 nước thông qua con đường tơ lụa hiện đại từ sáng kiến Một vành đai, một con đường, nước này đã mở rộng danh mục các dự án xây dựng hạ tầng do Trung Quốc tài trợ vốn vay ở nước ngoài.

Chỉ trong năm 2017, Trung Quốc cam kết chi hơn 23 tỉ đô la cho các dự án xây dựng hạ tầng ở châu Phi, theo số liệu thống kê của Viện Doanh nghiệp Mỹ, có trụ sở ở Wasington, Mỹ. Dù 89% lao động của các công ty Trung Quốc tại châu Phi là người địa phương, theo Công ty tư vấn McKinsey nhưng có rất nhiều công nhân Trung Quốc làm việc ở nhiều dự án hạ tầng lớn do nước này tài trợ vốn vay.

Barry Sautman, Giáo sư ở Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kông, cho biết khi một dự án do Trung Quốc tài trợ vốn vay có ý nghĩa quan trọng đối với nước chủ nhà và cần phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn, các nhà thầu thường sẽ đưa công nhân trong nước sang để đẩy nhanh tiến độ thi công. Các công nhân xây dựng Trung Quốc cũng được tuyển ồ ạt đến nhiều nước Đông Nam Á bao gồm Malaysia và Indonesia để phục vụ cho cơn bùng nổ xây dựng bất động sản, một phần là nhờ nhu cầu đầu tư bất động sản của người Trung Quốc ở hai nước này.

Dự án Forest City do Trung Quốc tài trợ vốn vay ở Malaysia được thiết kế để làm nơi sinh sống cho 700.000 người. Song dự án này bị chỉ trích vì sử dụng quá nhiều công nhân bất hợp pháp. Những người này đến Malaysia theo các thị thực du lịch nhưng thực tế họ không đi du lịch vì mục đích chính là làm công nhân cho các nhà thầu Trung Quốc. Giờ đây, chính phủ Malaysia đang tìm cách cung cấp giấy phép lao động cho các công nhân bất hợp pháp này.

“Nhà thầu của chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ được chuyển thị thực du lịch sang thị thực lao động khi chúng tôi đến Malaysia nhưng điều này vẫn chưa được thực hiện”, Liu Wei, một công nhân xây dựng Trung Quốc đang làm việc ở Malaysia, cho biết. Không có giấy phép lao động hợp pháp, Liu Wei không thể đòi khoản nợ lương 20.000 ringgit (113 triệu đồng) mà chủ lao động đang giữ lại.

Lương bèo dù đóng phí xuất khẩu lao động cao

Những công nhân Trung Quốc ra nước ngoài làm việc thường phải nhờ cậy một mạng lưới các nhà thầu phụ không chính thức tính phí lên đến 30.000 nhân dân tệ (100 triệu đồng)/người để kết nối họ với các dự án xây dựng ở nước ngoài. Bị hấp dẫn trước cam kết thu nhập 12.000 nhân dân tệ (41 triệu đồng)/ tháng, cao gần 3 lần so với mức lương trong nước, Ren, một công nhân xây dựng ở Trung Quốc, cho biết anh đã chấp nhận trả phí cao cho một trong số các nhà thầu này để giúp anh tìm việc.

Đợt xuất khẩu lao động đầu tiên của Ren là chuyến đi đến Saipan, thủ đô của quần đảo Bắc Mariana, để tham gia xây dựng dự án sòng bài do Trung Quốc tài trợ vốn vay. Công ty xây dựng Gold Mantis Construction Decoration (Trung Quốc) là nhà thầu của dự án này. Vào mùa xuân năm ngoái, dự án bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra sau khi một công nhân bị ngã và tử vong trong lúc lao động. Giờ đây, sáu công nhân Trung Quốc đang kiện đòi nhà thầu Gold Mantis Construction Decoration bồi thường vì để xảy ra các tai nạn lao động, khiến họ bị chấn thương.

Các nguyên đơn cho biết họ được hứa hẹn mức lương cao nếu đồng ý đến Saipan làm việc nhưng rốt cục, khi đến đây, họ bị ép buộc làm việc quá giờ và chỉ được nhận mức lương thấp dưới mức tối thiểu và phải làm việc trong các điều kiện cực kỳ nguy hiểm.

Ren nói: “Các điều kiện làm việc rất khủng khiếp với các vật liệu vứt bỏ và rác vương vãi khắp nơi. Chúng tôi cũng không được trang bị các thiết bị bảo hộ an toàn lao động”. Năm ngoái, anh tiếp tục xin đăng ký đi lao động nước ngoài và lần này anh bị lừa 2.000 nhân dân tệ, số tiền mà anh trả cho một công ty môi giới việc làm để được sang làm việc ở một dự án viễn thông tại Anh không tồn tại trên thực tế.

(Theo Finacial Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới