Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lao động vẫn chưa thể tự do di chuyển trong AEC

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lao động vẫn chưa thể tự do di chuyển trong AEC

Thùy Dung

Lao động vẫn chưa thể tự do di chuyển trong AEC
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (giữa) chủ trì buổi hội thảo – Ảnh: T.Dung

(TBKTSG Online) – Về lý thuyết người lao động một số ngành nghề được tự do lưu chuyển trong trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), song theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, vẫn còn nhiều việc phải làm và trước mắt, lao động vào Việt Nam hay ra nước ngoài làm việc vẫn theo quy định cũ.

Tại buổi hội thảo thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) diễn ra sáng nay 13-1, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Việt từ Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho hay, không cần AEC thì lao động vẫn di chuyển, nhưng chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, kỹ năng nghề thấp.

Trong khi đó, AEC chủ yếu đề cập tới việc dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng cao, hành nghề chuyên nghiệp. Những ngành nghề này chỉ chiếm 1% tổng lực lượng lao động của Việt Nam nên tác động của AEC đến thị trường lao động trong ngắn hạn là không lớn. Cụ thể, có 8 ngành nghề được tự do di chuyển là kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, bác sĩ, y tá và cán bộ hộ sinh, trắc địa viên và các nghề liên quan đến du lịch.

Theo ông Việt, mặc dù AEC đã hình thành nhưng vẫn còn nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tiếp nhận của xã hội, tôn giáo, kỹ năng sống đối với lao động di cư. Hơn nữa, sự khác biệt về cơ chế đào tạo, trình độ, quản lý, đánh giá, cấp văn bằng chứng chỉ của mỗi quốc gia vẫn có sự khác nhau.

Cũng theo ông Việt, việc xây dựng niềm tin để công nhận trình độ, kỹ năng của lao động mỗi quốc gia cũng là cả một vấn đề lớn. Thực tế, ngay cả việc xây dựng niềm tin trong nước cũng đã rất khó khăn khi hiện nay, tình trạng học giả bằng thật vẫn đang diễn ra ngay trong nước khiến cộng đồng doanh nghiệp mất niềm tin.

Tại buổi hội thảo, ông Simon Matthews, Giám đốc của Manpower Group tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, cho rằng để lao động trình độ cao có thể tự do di chuyển trong nội khối AEC, lao động đó phải chứng minh được trình độ kỹ thuật của mình; chứng minh được khả năng ngôn ngữ, trong đó là tiếng Anh, hoặc có thể là tiếng của nước sở tại. Và cuối cùng là những kỹ năng mềm khác như làm việc theo nhóm, kỹ năng máy tính, hiểu về văn hóa của nước sở tại cũng là những điều rất quan trọng.

Song, việc khó nhất là làm sao để lao động có thể chứng minh được khả năng của mình. Hiện nay, AEC phải có một thước đo chung cho mỗi ngành nghề và công nhận lẫn nhau về trình độ đó, tức là thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA). Vậy các nước đã thực hiện vấn đề này thế nào?

Trả lời câu hỏi trên, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTBXH cho hay, mỗi bộ sẽ chủ trì đàm phán MRA với mỗi ngành nghề mà mình phụ trách. Ví dụ Bộ Xây dựng đàm phán MRA trong nghề kỹ sư, còn Bộ Y tế thì chịu trách nhiệm về nghề bác sĩ và y tá.

“Bộ LĐTBXH đang cập nhật với các cơ quan, bộ, ngành về vấn đề này”, bà Đức nói và cho biết thêm, trước mắt lao động đi làm việc nước ngoài và lao động nước ngoài làm việc vào Việt Nam làm việc vẫn thực hiện theo quy định cũ của Luật lao động.

Theo ông Simon Matthews, AEC không giống Liên minh EU, tức một người có hộ chiếu có thể tự do đi sang bất kỳ nước nào khác trong khối để làm việc, mà vẫn sẽ còn rất nhiều rào cản trong nội khối liên quan tới lao động nước ngoài.

“Tôi không nghĩ có có thay đổi lớn trong việc này”, ông Simon Matthews nói và nhấn mạnh việc di chuyển tự do ở mức thế nào sẽ phải chờ những bước tiếp của các nước trong AEC.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, về lý thuyết, lao động có kỹ năng, thuộc tám ngành nghề quy định có thể tự do di chuyển được, nhưng trong thực tiễn còn rất nhiều việc phải làm như chia sẻ kinh nghiệm, ký kết các hiệp định tương hỗ bảo hiểm xã hội, giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo hiểm việc làm, chứ không chỉ câu chuyện dịch chuyển lao động.

Đọc thêm:

AEC có liên quan gì đến bạn không?

10,5% việc làm mới được tạo ra khi AEC hình thành

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới