Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lào xây đập thủy điện trên sông Mê kông: Phản đối vẫn cứ làm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lào xây đập thủy điện trên sông Mê kông: Phản đối vẫn cứ làm

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Dù Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế nói chung và của Việt Nam nói riêng đã phản đối, nhưng các công trình thủy điện trên dòng chính của con sông này vẫn lần lượt được phía Lào xây dựng. Vậy, câu hỏi được đặt ra đó là có cần thiết tốn thời gian tham vấn phản đối xây dựng đập thủy điện của quốc gia này nữa hay không?

Đập cao trăm mét, cá "đi" kiểu gì?

Lào xây đập thủy điện trên sông Mê kông: Phản đối vẫn cứ làm
Hội nghị toàn thể 2019 của Ủy ban sông Mê Kông diễn ra ngày 19-6 tại Tiền Giang, Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã tổ chức hội nghị toàn thể lần thứ nhất năm 2019 hôm 19- 6 tại Tiền Giang. Theo đó, những nội dung về các đập thủy điện của Lào đã và đang xây dựng lại được nêu ra.

Cụ thể, báo cáo “Tham vấn cho dự án thủy điện Pak Lay của Lào dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông” được cung cấp tại hội nghị cho thấy, đến nay Lào đã chính thức thông báo cho Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế về xây dựng 3 công trình trên dòng chính, gồm Xayaburi (tháng 10- 2010), Don Sahong (tháng 7- 2014) và Pak Beng (tháng 12- 2016).

Mặc dù không đạt được sự thống nhất trong Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế về đề xuất xây dựng các công trình nêu trên, nhưng Chính phủ Lào vẫn triển khai.

Cụ thể, đập thủy điện Xayaburi được Lào khởi công xây dựng vào giữa tháng 11- 2012, đập Don Sahong khởi công vào tháng 1- 2016. “Công trình thủy điện Xayaburi hiện đã hoàn thành được 95%, bắt đầu tích nước từ ngày 3-10-2018, vận hành tổ máy số 1 ngày 24-10-2018 và dự kiến công trình vận hành cả 8 tổ máy vào tháng 9-2019”, báo cáo cho biết và thông tin đập Don Sahong cũng cơ bản đã hoàn thành.

Còn đối với công trình Pak Beng, báo cáo nêu trên cho biết, sau quá trình tham vấn Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế đã đạt được đồng thuần thông qua một tuyến bố chung đối với đề xuất dự án, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của Lào trong hoàn thiện tài liệu đề xuất, cải thiện thiết kế công trình… “Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ Lào chưa khởi công xây dựng công trình do chưa ký kết được hợp đồng mua bán điện với Thái Lan”, báo cáo cho biết.

Trước khi dự án thủy điện Xayaburi và Don Sahong của Lào được khởi công xây dựng, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cùng nhiều chuyên gia đầu ngành của Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đã rất nhiều lần tổ chức các cuộc họp tham vấn và đã lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, kết quả, các dự án thủy điện này lần lượt vẫn được phía Lào cho triển khai xây dựng.

Gần đây nhất, đối với dự án thủy điện Pak Lay, trong quá trình tham vấn, các chuyên gia phía Việt Nam cũng đã liên tục lên tiếng phản đối.

Cụ thể, tại hội thảo “Tham vấn quốc gia dự án thủy điện dòng chính Pak Lay của Lào” được tổ chức hôm 15-1-2019, tại thành phố Cần Thơ, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nhấn mạnh, trước đó trong những lần tham vấn xây dựng các đập thủy điện như Xayaburi, Don Sahong hay Pak Beng, thì Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối, nhưng Lào vẫn tiếp tục xây dựng.

“Bây giờ họ làm đến cái thứ 4, vậy có ai dám chắc họ không làm cái thứ 5, thứ 6 hay không?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng có cần thiết phải tiến hành việc tham vấn nữa hay không?

Đối với dự án thủy điện Pak Lay trên dòng chính sông Mê Kông, ông Tuấn trích dẫn nhận xét đánh giá của Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, các báo cáo về phù sa, nguồn nước, sinh thái, thủy sản…, thì hầu hết đều nói đến phương pháp tính toán chưa được kiểm chứng đầy đủ; thiếu các kết quả kịch bản; số liệu nghèo nàn, chưa phù hợp, không nhất quán…, nhưng thay vì đề xuất bác bỏ dự án, thì lại đề nghị sửa lại là "không hợp lý".

Theo ông Tuấn, phía Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã chỉ ra và tất cả đều đánh giá là không đạt, nhưng lại kiến nghị sửa. "Đã chỉ ra như vậy, thì phải đề nghị hủy bỏ dự án, chứ còn đề nghị sửa lại là không hợp lý”, ông nói.

Tại hội nghị ngày 19-6, ông Trương Hồng Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, tuy tác động của công trình (Pak Lay) sẽ không đáng kể đối với ĐBSCL vì dự án nằm ở rất xa (khoảng 1.800 km) nhưng tác động tổng thể lũy tích của tất cả các công trình trên dòng chính sông Mê Kông sau khi xây dựng xong là rất lớn.

Tuy nhiên, phía Lào vẫn lần lượt cho triển khai xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính, bất chấp những phản đối của Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế cũng như của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam. Như vậy, liệu có nên tiếp tục thực hiện một việc làm mất thời gian như thế nữa hay không?

Trước đó, ngày 18-6, bên lề diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại TPHCM khi TBKTSG Online hỏi về việc có tham dự hội nghị như nêu trên hay không? Ông Dương Văn Ni, người được xem là chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL đã lắc đầu tỏ ý có phản đối cũng vô ích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới