Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lập khu bảo tồn sao la tại Huế, Quảng Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lập khu bảo tồn sao la tại Huế, Quảng Nam

Đại diện của Quỹ bảo tồn thiên nhiên WWF ông Eric Coull (thứ hai, bìa trái) đang trao giải thưởng “Những người tiên phong vì một hành tinh xanh” – Ảnh: Mộng Bình

(SGTO) Hai khu bảo tồn sao la đầu tiên tại Việt Nam sẽ được lập nên tại Huế và Quảng Nam nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của loài động vật quý hiếm này.

Cuối tuần qua, hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã ký một bản cam kết thành lập hai khu bảo tồn sao la (tên khoa học là pseudoryx nghetinhensis) nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của động vật chỉ có tại Việt Nam và Lào này.

Theo cam kết được ký tại hội thảo “Liên kết cảnh quan đảm bảo nơi sinh sống cuối cùng cho sao la” được tổ chức tại Hội An vào ngày 23-9 vừa qua, các khu bảo tồn sao la có tổng diện tích 242 kilomét vuông được phân bố đều cho mỗi tỉnh. Hai khu bảo tồn này được kết nối với một khu rừng mở rộng có diện tích 165 kilomét vuông và Vườn quốc gia Bạch Mã, giúp hình thành một vùng bảo tồn có tổng diện tích 2,920 kilomét vuông trải dài liên tục từ bờ biển Việt Nam đến Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Xe Sap ở Lào.

Tiến sĩ Barney Long, hiện là điều phối viên Chương trình Bảo tồn Cảnh quan Trung Trường Sơn, thuộc Quỹ bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam, đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc lập khu bảo tồn sao la ở Việt Nam để tạo ra một vùng an toàn rất cần thiết cho loài sao la sinh sống. Ông nói: “Hai khu bảo tồn này sẽ mang lại cơ hội lớn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất cho sao la – loài động vật đặc biệt của khu vực Trường Sơn có thể sống sót tại Việt Nam.”

Đây cũng là nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như mang Trường Sơn, voọc ngũ sắc, vượn má trắng, và nhiều loài khác mới được phát hiện và chưa được công bố.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Ngọc Khanh, cho biết việc ký cam kết giữa các tỉnh là những bước đi tiếp theo giúp liên kết các vùng miền, và các địa phương trong việc bảo tổn sao la tại miền Trung Việt Nam. Ông khẳng định, hai tỉnh này và Vườn quốc gia Bạch mã sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc trao đổi thông tin cũng như phối hợp các hoạt động nhằm giúp việc bảo tồn mang lại hiệu quả hơn.

Sao la chỉ còn sống tại miền trung Việt Nam và Lào – Ảnh: WWF

Sao la được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học thuộc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và WWF vào năm 1992. Mặc dù hiện nay có rất ít thông tin về loài sao la, nhưng tổng số sao la trên toàn thế giới ước tính chỉ còn không quá 250 con, trong đó bao gồm khoảng 200 con tại Việt Nam. Tại Việt Nam, sao la bị chia nhỏ trong chín tiểu quần thể sống rải rác, trong đó quần thể có số lượng đông nhất sống ở khu vực phía nam của phạm vi phân bố của loài này, nằm ở biên giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Săn bắt chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ sự tuyệt chủng của sao la. Chó săn cũng là mối đe dọa lớn đối với sao la, vì loài này gần như không có được phản ứng tự vệ đối với loài chó.

Giám đốc Chương trình Việt Nam của WWF Greater Mekong bà Trần Minh Hiền cũng nói rằng sao la là biểu tượng của những nỗ lực bảo tồn ở Việt Nam, nhưng loài này vẫn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bà nói thêm WWF cam kết sẽ hỗ trợ các cơ quan chính quyền địa phương để có những can thiệp kịp thời, hợp lý, đảm bảo cho sự tồn tại của loài động vật này.

Để ghi nhận nỗ lực bảo tồn sao la trong các năm qua, tại hội thảo WWF đã trao giải thưởng “Những người tiên phong vì một hành tinh xanh” cho Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam, và Vườn Quốc gia Bạch Mã.

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới