Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lập quỹ đầu tư nhà nước kiểu mới, Indonesia đặt tham vọng vào Top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lập quỹ đầu tư nhà nước kiểu mới, Indonesia đặt tham vọng vào Top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Quỹ đầu tư nhà nước INA (Indonesia) vừa mới thành lập sẽ có số vốn lên đến 15 tỉ đô la. Hôm 16-2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chọn ông Ridha Wirakusumah, Chủ tịch Bank Permata, làm CEO đầu tiên của quỹ đầu tư này. 

Bề dày thành tích của CEO mới Ridha Wirakusumah khá đáng nể. Ông làm chủ tịch Bank Permata – ngân hàng lớn thứ 12 của Indonesia – từ năm 2016 đến nay sau khi là đối tác điều hành của DNB Consulting & Investment Hong Kong trong hai năm. Ông cũng đảm trách vị trí CEO vùng châu Á – Thái Bình Dương của General Electric, Chủ tịch và CEO của AIG Hong Kong, và Giám đốc KKR Hong Kong. Tốt nghiệp Đại học Ohio ở Mỹ, ông lấy bằng tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh ở Đại học City University Hong Kong.

Trong cương vị mới, ông Ridha Wirakusumah có trọng trách rất lớn là phải tránh được vết xe đổ của quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia, nhưng phải tạo được danh tiếng và cạnh tranh với các quỹ đầu tư nổi danh Temasek và GIC của Singapore.

Ban đầu, Wirakusumah đã không được chọn cho vị trí này bởi tên tuổi của ông đã không thuyết phục được các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhưng các nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng kinh nghiệm làm việc với các công ty nước ngoài và mối quan hệ với các nhà đầu tư quốc tế của ông đã giành được phiếu thuận của Bộ Doanh nghiệp Nhà nước và Bộ Tài chính của Indonesia. Mỗi bộ này cũng cử một thành viên tham gia ban giám sát quỹ INA cùng với ba đại diện của các công ty tư nhân.

Lập quỹ đầu tư nhà nước kiểu mới, Indonesia đặt tham vọng vào Top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Tổng thống Joko Widodo thông báo bổ nhiệm ông Ridha Wirakusumah làm CEO quỹ đầu tư nhà nước INA hôm 16-2. Ảnh: Jakarta Post

Quỹ đầu tư phải luôn đi tìm nhà đầu tư

Quỹ đầu tư nhà nước INA là bước tiếp nối của việc Quốc hội Indonesia thông đạo luật tổng quát (omnibus law) hồi tháng 10 năm ngoái nhằm cải cách toàn diện môi trường kinh doanh và hệ sinh thái doanh nghiệp của quần đảo này. Các quỹ đầu tư nhà nước trên toàn cầu vốn thường lấy vốn từ ngân sách quốc gia, tập trung đầu tư và quản lý ngành dầu mỏ, dự trữ ngoại hối hay quỹ hưu trí. Nhưng quỹ đầu tư nhà nước của Indonesia khác hẳn: tìm cách thu hút nguồn vốn nước ngoài với tư cách là nhà đồng đầu tư.

Ngân sách chính phủ Indonesia sẽ đóng góp 15.000 tỉ rupiah, tức 1 tỉ đô la, làm vốn trong năm đầu tiên. INA sẽ kêu gọi các đối tác nước ngoài sẽ đóng góp thêm để nâng số vốn năm đầu lên 5 tỉ đô la và rồi sau đó lên 15 tỉ đô la.

Đầu tháng 2 này, Bộ trưởng Kinh tế Airlanga Hartarto nói rằng các nhà đầu tư quốc tế đã cam kết đến 9,5 tỉ đô la cho quỹ. Bao gồm 4 tỉ từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, 2 tỉ từ Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế của Mỹ, 2 tỉ của quỹ hưu trí Canada CDPQ và 1,5 tỉ của quỹ hưu trí Hà Lan APG-Netherlands.

“Chúng tôi đã có trong tay một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Chúng tôi sẽ tập trung vào các dự án cao tốc thu phí trước bởi các tác động đa tầng và ảnh hưởng rộng của các dự án giao thông này”, CEO mới phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua.

Tại cuộc họp báo, CEO Wirakusumah và Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati đều đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản trị và tính chuyên nghiệp của quỹ đầu tư nhà nước mới thành lập. “Tổng thống đã nhấn mạnh rõ ràng rằng ông không muốn bất cứ vụ bê bối nào như quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia xảy ra. Ông yêu cầu chúng tôi phải chúng minh rằng có được một định chế đầu tư nhà nước được quản lý chặt chẽ và minh bạch”, Bộ trưởng Indrawati nói.

Bà bộ trưởng cũng cho biết rằng khi ủy ban giám sát tuyển ban giám đốc, đó là phẩm chất chính được đề ra. “Chúng tôi đã truy soát tất cả các ứng viên để đảm bảo rằng họ có danh tiếng và thực lực đủ mạnh và hiệu quả để quản lý tốt INA”, bà nói.

Một thợ kim loại Indonesia đang làm việc trong mỏ nickel – kim loại đóng vai trò cốt lõi của ngành công nghiệp xe điện. Indonesia đặt mục tiêu trở thành căn cứ xe điện của châu Á. Ảnh: Reuters

Tham vọng trở thành Top 5 kinh tế toàn cầu

Đạo luật tổng quát omnibus law và quỹ INA đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Indonesia trong 25 năm tới. Các chiến lược cải cách và đổi mới dồn dập trong thời gian qua nằm trong giấc mơ đầy tham vọng của Tổng thống Widodo: đưa xứ vạn đảo thành một trong năm nền kinh tế mạnh nhất thế giới vào năm 2045.

Các startup công nghệ và ngành công nghiệp xe điện sẽ là trọng tâm đầu tư mới của chính phủ Indonesia. Xứ vạn đảo này hiện chiếm 80% số kỳ lân – các công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỉ đô la – ở Đông Nam Á. Indonesia cũng đặt mục tiêu trở thành cứ điểm châu Á của ngành xe điện.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tháng 11-2020, Bộ trưởng Tài chính Indrawati đã nhấn mạnh rằng INA sẽ là một quỹ đầu tư cây đại thụ “master fund” có nhiều nhánh con là các quỹ đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm, như điện, cầu đường và dự án y tế… Bà nói các nhà đầu tư có thể đầu tư vào cây đại thụ hay các nhánh.
Chính phủ Indonesia đã thực hiện các chiến dịch ngoại giao marathon để thành lập quỹ INA. Bộ trưởng Kinh tế và Hàng hải Luhut Pandjaitan đã bay đến Washington trong tháng 11 năm ngoái để thuyết phục Adam Boehler –  người đứng đầu của Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế (DFC) của Mỹ – ký ý định thư đầu tư 2 tỉ đô la. DFC cũng sẽ làm việc với các đối tác Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Singapore để rót thêm vốn cho INA.

Trước đó một tháng, Bộ trưởng Luhut cũng đã bay đến Tokyo để có được “dấu triện” của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho thỏa thuận đầu tư trị giá 4 tỉ đô la. Tuy nhiên, các nguồn tin của JBIC đã không xác nhận con số khổng lồ này và chỉ nói rằng “số này quá lớn”. Trong năm tài chính kết thúc tháng 3-2020, JBIC đã giải ngân 17,3 tỉ đô la bao gồm các khoản cho vay, bảo lãnh và góp cổ phần. Một nguồn tin từ JBIC nói với Nikkei Asia số vốn góp vào INA có thể sẽ thực hiện theo từng giai đoạn.

Nỗi ám ảnh 1MDB và bức tường đôi Temasek – GIC

Mối quan hệ địa chính trị Mỹ – Indonesia cùng với chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống Trump đã khiến Indonesia trở thành điểm nóng trong thu hút đầu tư Mỹ. Nhà tài phiệt trẻ Boehler, vốn là bạn đồng môn con rể Jared Kushner của Tổng thống Donald Trump đương nhiệm lúc đó, đã không ngần ngại khi ký ý định thư. “Cam kết đầu tư này cũng chứng tỏ cam kết của Mỹ trong việc đối phó với các ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á”, một nhà phân tích nói.

Các chính sách tiếp nối từ nội các mới của Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Indonesia, đặc biệt là ở startup công nghệ và xe điện. Triển vọng của quỹ đầu tư nhà nước INA chắc chắn là tươi sáng bởi sự hình thành các kỳ lân công nghệ với dòng vốn từ các hãng đại công nghệ của Mỹ trong gần hai thập niên qua.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về khả năng quản lý và tính liêm chính của các quốc gia Đông Nam Á qua sự đổ vỡ của quỹ đầu tư 1MDB (One Malaysia Delopment Berhand) vẫn còn đó.

1MDB được hình thành năm 2009 với mục đích tốt đẹp là thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng Malaysia khi ông Najib Rajak là người đứng đầu ban cố vấn quỹ. Trong thời gian ông Najib làm thủ tướng từ 2009-2018, 1MDB nổi tiếng là đi vay nhiều hơn là thu hút và triển khai các dự án đầu tư lớn và nợ tích lũy đến 12 tỉ đô la. Khoản thất thoát 4,5 tỉ đô la đã bị các nhà điều tra Mỹ và hơn 10 nước khác chỉ ra nhưng không thể thu hồi được. Vụ bê bối này đã làm rúng động hệ thống tài chính thế giới khi nhiều ngân hàng danh tiếng của Mỹ, châu Âu và Singapore đã bị trừng phạt.

Trong khi phải chứng tỏ mình sẽ không bao giờ trở thành bản sao 1MDB, quỹ INA còn gặp phải hai “ngọn núi” sẵn sàng đè bẹp họ. Đó là hai quỹ đầu tư nhà nước GIC và Temasek Holdings của Singapore.

Quản lý nguồn ngoại hối khổng lồ đến 440 tỉ đô la của Singapore từ năm 1981 đến nay, GIC luôn năng động và có danh mục đầu tư đầy triển vọng. Theo tổ chức chuyên theo dõi các quỹ đầu tư nhà nước Global SWF, GIC đạt được danh hiệu quỹ đầu tư nhà nước năng động nhất thế giới trong năm 2020 giữa bối cạnh bất định kinh tế toàn cầu do đại dịch.

Theo DealStreetAsia, mức đầu tư của GIC có giảm xuống còn 17,7 tỉ đô la trong năm ngoái so với con số 24 tỉ đô la của năm 2019. Nhưng danh mục đầu tư của GIC cũng có sự chuyển dịch từ công nghệ tài chính sang các ngành công nghệ khác. Đây là năm thứ hai GIC đứng đầu trong các quỹ đầu tư nhà nước trên toàn thế giới.
Còn theo Bloomberg, Temasek Holdings – tập đoàn đầu tư thuộc Bộ Tài chính Singapore – có số vốn hơn 75 tỉ đô la và tập trung chủ yếu vào các tập đoàn và công ty trong nước. Một trong những khoản đầu tư đáng giá của Temasek trong năm 2020 là “xuống tiền” đến 250 triệu đô la cho hãng dược Pfizer phát triển vaccine ngừa Covid – 19 trong giai đoạn rất sớm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới