Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lập tiểu ban kiểm soát, xử lý ô nhiễm sông Thị Vải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lập tiểu ban kiểm soát, xử lý ô nhiễm sông Thị Vải

(TBKTSG Online) – Sau khi tiếp thu ý kiến từ các ngành, địa phương liên quan, Bộ Tài nguyên – Môi trường đang xem xét thành lập Tiểu ban sông Thị Vải gồm đại diện lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM.

Tiểu ban này trực thuộc Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào đầu tháng 12–2008; chủ tịch nhiệm kỳ đầu của ủy ban là ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM.

Đánh giá về mức độ ô nhiễm của sông Thị Vải, Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng dư luận xã hội rất bức xúc trước các hành vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, điển hình là vụ Công ty Vedan và một số doanh nghiệp gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường sinh thái sông Thị Vải.

Suy thoái môi trường đã quá nghiêm trọng, nếu không có biện pháp hiệu quả, hậu quả về môi trường, kinh tế xã hội rất to lớn. Bộ đánh giá một đoạn sông dài khoảng 13 km của sông Thị Vải được xem như là đoạn “sông chết” vì chất thải công nghiệp chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu thải trực tiếp xuống sông.

Trong một thông báo gởi các tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM đầu tháng 2 vừa qua, bộ này đề xuất nên tập trung vào 2 phương án giải pháp công trình để giải quyết ô nhiễm sông Thị Vải. Một là lựa chọn chuyển điểm thải ra ngoài phạm vi 13 km đoạn sông chết này; hai là đào kênh chuyển nước từ sông Đồng Nai vào sông Thị Vải để pha loãng và đẩy ô nhiễm.

Tuy nhiên, các phương án này cần được nghiên cứu và tính toán kỹ về kinh tế, kỹ thuật.

Trước mắt, để ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải, bộ cho rằng cần tập trung tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các nguồn thải chưa qua xử lý thải vào sông, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tự động trên sông, kiểm toán chất thải và xây dựng tiêu chuẩn thải riêng cho sông Thị Vải, thiết lập cơ chế tăng cường tham gia giám sát của cộng đồng trong phòng chống các doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới