Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lấy lại niềm tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lấy lại niềm tin

Nhà nước cần phá thế độc quyền trong việc cung cấp xăng dầu để thị trường phát triển lành mạnh -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) – Bộ máy quản lý vĩ mô hiện nay được thiết kế để điều hành nền kinh tế kế hoạch hóa có tính khép kín chứ không phải nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập. Chính vì vậy, mỗi khi gặp khó khăn trong công tác điều hành thì lập tức các biện pháp hành chính, mệnh lệnh có tính định lượng lại được đem ra áp dụng.

>>  Kịch bản nào cho sáu tháng cuối năm?

>> Áp lực lạm phát có thể nghiêm trọng hơn

>> Hiểu cho đúng thế nào là dự báo?

Rõ ràng là các biện pháp định lượng phi thị trường mang dấu ấn của những thập kỷ trước giờ đây không còn thích hợp nữa vì cấu trúc của nền kinh tế đã có những thay đổi đáng kể. Kết quả là, như chúng ta đã thấy, hầu như tất cả các biện pháp hành chính như ép 41 tổ chức tín dụng mua tín phiếu bắt buộc, áp đặt trần lãi suất, bắt các doanh nghiệp không được tăng giá… đều không những không có hiệu lực mà còn có tác dụng ngược – khủng hoảng thanh khoản, tiền chạy ra khỏi khu vực ngân hàng, đầu cơ trục lợi…

Nói tóm lại, đã có một sự thụt lùi trong hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô, và khi sự thụt lùi này không phù hợp với quy luật và hoàn cảnh thì chắc chắn sẽ thất bại.

Các bài khác trong cụm bài này đã đưa ra ví dụ về một số giải pháp có tác dụng ngược hay có thể bị lợi dụng, ở đây chỉ xin phân tích kỹ thêm một trường hợp, đó là trần lãi suất và một số chính sách liên quan.

Trần lãi suất 12%, giảm xuống 11%, rồi lại tăng lên 12% có rất nhiều tác động tiêu cực. Thứ nhất, hành động này đi ngược lại chính sách tự do hóa lãi suất, và vì vậy là một bước thụt lùi trong điều hành vĩ mô. Không những thế, việc quy định lãi suất trần của Hiệp hội Ngân hàng rõ ràng vi phạm điều 8 về “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” của Luật Cạnh tranh hiện hành.

Thứ hai, chính sách thay đổi liên tục như thế này làm cho môi trường chính sách trở nên hết sức rủi ro, làm xói mòn uy tín của Chính phủ và ảnh hưởng đến niềm tin của các tác nhân trên thị trường.

Thứ ba, trần lãi suất thấp hơn CPI quá xa làm việc gửi tiền trở nên kém hấp dẫn. Hệ quả là người gửi tiền không những không muốn giữ tiền trong ngân hàng mà còn rút tiền ra để mua vàng, ngoại tệ mạnh “phòng thân”… Tiền bị rút ra khỏi khu vực ngân hàng làm cho thanh khoản của toàn hệ thống rối loạn. Bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng đã lên tới 20-25%.

Trong khi đó thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại ưu ái, bơm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) để những ngân hàng này có thể đem cho các doanh nghiệp nhà nước vay hoặc cho các ngân hàng khác vay lại với lãi suất giờ đã trở nên cao ngất trên thị trường liên ngân hàng. Như vậy, trong khi thanh khoản đang khan hiếm (một hệ quả của chính sách trần lãi suất) thì lại bị phân bổ kém hiệu quả. Kết quả là các doanh nghiệp dân doanh và xuất khẩu – khu vực tạo công ăn việc làm chủ yếu, đồng thời góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng, giảm thâm hụt thương mại – lại không có đủ vốn để kinh doanh và phải vay qua các kênh phi chính thức với lãi suất rất cao.

Tóm lại, việc áp đặt mệnh lệnh hành chính không đúng đắn đã làm biến dạng các quan hệ thị trường, tạo ra cơ chế “xin cho”, làm xuất hiện tình trạng hai giá, phân bổ nguồn lực khan hiếm kém hiệu quả – những triệu chứng phổ biến của nền kinh tế kế hoạch hóa thiếu hụt (shortage economy) trước đây.

Một số giải pháp chính cho tình hình hiện nay là: (i) Hủy bỏ trần lãi suất; (ii) Nâng dần lãi suất theo kịp lạm phát, đặc biệt là lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản của NHNN; (iii) Đảm bảo thanh khoản cho thị trường liên ngân hàng; (iv) Tăng cường công tác giám sát đối với các NHTMNN; (v) Phân loại các NHTMNN thành các nhóm với hệ số đủ vốn và mức độ rủi ro khác nhau để từ đó có các biện pháp giám sát và điều tiết thích hợp; (vi) Tăng cường hệ thống quản lý rủi ro của các NHTMNN; (vii) Chuẩn bị khung pháp lý và phương án cho tình huống phải sáp nhập một số ngân hàng hay cho các ngân hàng khác mua lại; (viii) Dừng ngay việc cấp phép cho các ngân hàng thương mại cổ phần mới. Trong điều kiện hiện nay, giấy phép mới (nếu có) chỉ nên cấp phép cho các ngân hàng có uy tín của nước ngoài hiện đang chờ được cấp phép.

Bây giờ xin trở lại một vấn đề được nêu ở trên, đó là uy tín, thông tin và niềm tin. Tại sao uy tín của các cơ quan điều hành chính sách, thông tin họ cung cấp cho thị trường và niềm tin của các tác nhân kinh tế lại đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành vĩ mô? Hoàn toàn không ngoa khi nói rằng tài sản lớn nhất của NHNN hay Bộ Tài chính không phải là số tiền họ có trong tài khoản dự trữ hay trong kho bạc mà chính là uy tín của họ và niềm tin của thị trường.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, việc có chính sách đúng hướng vẫn chưa đủ. Để các tác nhân trên thị trường điều chỉnh hành vi theo hướng Chính phủ mong muốn thì chính sách phải được cụ thể hóa, và quan trọng hơn, phải tạo được niềm tin.

Trong khoảng một năm trở lại đây, niềm tin của người dân và của các nhà đầu tư đối với Chính phủ đã bị thách thức nhiều lần, và sự xói mòn niềm tin giờ đây đã là một thách thức ngược trở lại đối với các cơ quan điều hành vĩ mô của Việt Nam. Trong một môi trường đầy biến động và rủi ro như hiện nay, thì phản ứng đầu tiên của thị trường sẽ là tìm mọi cách để tự vệ. Và khi cả thị trường cùng có phản ứng tự vệ tiêu cực thì sự việc sẽ xấu đi một cách nhanh chóng (việc nhiều người vừa qua tranh nhau đổ xô đi mua gạo dự trữ làm giá gạo tăng gấp đôi, gấp ba trong vòng có vài ngày là một ví dụ điển hình).

Phản ứng tự vệ của một số đông người sẽ trở nên tồi tệ hơn khi những người này thiếu thông tin, hay có thông tin không chính xác. Khi ấy, việc đoán già đoán non và những tin đồn thổi dễ dàng biến cả những người bình thản nhất trở nên lo lắng. Sự lo lắng này sẽ phát tán và lan tỏa rất nhanh trong một môi trường thiếu niềm tin và thiếu thông tin, và kết quả là một sự hoảng loạn thực sự của thị trường. Khi ấy tâm lý đám đông và hành xử bầy đàn sẽ cuốn trôi tất cả, và tình hình sẽ nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bộ máy điều hành của Chính phủ.

Cổ nhân có câu “một lần thất tín, vạn sự bất tin”, nhưng sẽ không bao giờ muộn nếu thực tâm muốn khôi phục niềm tin. Hơn thế nữa, khôi phục niềm tin cũng đồng thời là cách lấy lại sức mạnh và hiệu lực cho chính sách vĩ mô của Nhà nước – điều mà Chính phủ rất cần để có thể đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay. Để làm được điều này, một thái độ thực sự cầu thị, một hệ thống chính sách cẩn trọng, đúng đắn, và một cơ chế giao tiếp thông tin mạch lạc, kịp thời với người dân, với thị trường là những điều kiện tiên quyết.

VŨ THÀNH TỰ ANH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới