Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lấy phiếu tín nhiệm từ năm 2013

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lấy phiếu tín nhiệm từ năm 2013

Tư Hoàng

Lấy phiếu tín nhiệm từ năm 2013
Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 22/10 tới.

(TBKTSG Online) – Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm sẽ chỉ có hiệu lực triển khai trong năm 2013 nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ tư, dự kiến diễn ra từ ngày 22/10-22/11 tới.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết, rồi mới triển khai năm 2013, chứ chưa thực hiện ngay (trong kỳ họp)”.

Ông Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về những cam kết của các bộ trưởng tại hai kỳ họp trước đây, động thái cho thấy Quốc hội sẽ cương quyết hơn trong việc giám sát các thành viên Chính phủ.

Ông giải thích, nếu bộ trưởng nào hứa trước Quốc hội mà không thực hiện được lời hứa đó thì đương nhiên tín nhiệm thấp khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trong năm tới.

“Nếu tín nhiệm thấp, hai lần mà không đạt 50% thì sẽ chuyển sang bỏ phiếu. Đó là chế tài”, ông Phúc nói.

Liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sẽ lấy ý kiến nhân dân khoảng 3 tháng từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 2013.

Sau đó, Quốc hội sẽ cố gắng thông qua Hiến pháp sửa đổi vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, dự kiến sẽ truyền hình trực tiếp một số phiên thảo luận về các dự án luật mà người dân quan tâm; ví dụ Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi; Luật Đất đai sửa đổi; dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; báo cáo của Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân,…

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và hai nghị quyết là Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm và Nghị quyết về thí điểm thừa phát lại.

Trong báo cáo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ thừa nhận có 5 trong tổng số 12 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra trong năm 2012 có thể không đạt, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo và tỉ lệ che phủ rừng.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, dù đã báo cáo như trên, Chính phủ sẽ phải tiếp tục “phấn đấu tiếp” trong những tháng cuối năm. “Hiện nay thì chưa có chuyện Chính phủ không đạt (5 chỉ tiêu đó). Còn nếu không đạt thì Quốc hội sẽ đánh giá”, ông nói.

Trong kế hoạch 2013, Chính phủ đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,5% so với 2012, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 4,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 8%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới