Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lấy ý kiến về Nghị định khung sandbox cho Fintech

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo dự thảo, có sáu nhóm lĩnh vực được tham gia thử nghiệm sẽ là dịch vụ Cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; Chấm điểm tín dụng; Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); cho vay ngang hàng (P2P Lending); ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng; Ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Các giải pháp tham gia sẽ đặt được dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý ngân hàng – tài chính nhằm hạn chế ở mức thấp nhất rủi ro, hệ lụy phát sinh.

Thông tin, dữ liệu, kết quả thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ tham gia vào Cơ chế thử nghiệm này sẽ là cơ sở, căn cứ để cơ quan quản lý, giám sát, đánh giá tính khả thi, lợi ích, rủi ro của giải pháp, từ đó đưa ra quyết định, cách thức ứng xử phù hợp tiếp theo.

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm.

Lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn trong cộng đồng Fintech. Ảnh: DNCC.

Các tổ chức không tham gia Cơ chế thử nghiệm vẫn có quyền tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh bình thường, nhưng phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, quản lý ngoại hối, phòng chống rửa tiền của ngành ngân hàng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo tờ trình của Ngân hàng Nhà nước về Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách ưa thích nhất được rất nhiều nước áp dụng. Phương án này cho phép thử nghiệm các giải pháp bằng những giao dịch thật trong một môi trường có kiểm soát, giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm.

Trong vài năm qua, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các công ty Fintech với rất nhiều mảng hoạt động. Tuy nhiên, các lĩnh vực này hầu hết đều chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một thách thức khác là xây dựng môi trường cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính truyền thống và công ty Fintech để đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới