Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lazada triển khai tính năng “live streaming”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lazada triển khai tính năng “live streaming”

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Nền tảng mua sắm trực tuyến Lazada, công ty con của Alibaba, vừa giới thiệu một loạt công cụ mới bao gồm “live streaming” (phát sóng trực tiếp) để giúp người bán hàng nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và tương tác tốt hơn với khác hàng, từ đó, xây dựng mô hình thương mại kết hợp giữa mua sắm và giải trí.

Lazada mở kênh bán hàng chính hãng online LazMall

Lazada: số lượng nhà bán hàng tăng 4,5 lần

Lazada triển khai tính năng “live streaming”
Giám đốc điều hành Lazada Pierre Poignant, phát biểu tại Diễn đàn Tương lai các thương hiệu trên LazMall ở Singapore hôm 21-3. Ảnh: ABS-CBN News

Hôm 21-3, Lazada tổ chức sự kiện Diễn đàn Tương lai các thương hiệu trên LazMall (LazMall Brands Future Forum) tại Singapore. Thành phần tham dự diễn đàn này bao gồm hơn 300 nhà bán hàng và 120 nhà báo đến từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. 

LazMall là một khu mua sắm ảo trên nền tảng Lazada giúp kết nối khách hàng với các thương hiệu địa phương và quốc tế cũng như các nhà phân phối được ủy quyền. LazMall cung cấp trải nghiệm mua sắm chất lượng vì chỉ bán hàng chính hãng, cho phép trả hàng trong 15 ngày không tính phí và giao hàng vào ngày hôm sau.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc điều hành Lazada, Pierre Poignant, cho biết Lazada sẽ cung cấp “các siêu giải pháp” cho các thương hiệu và người bán hàng trên nền tảng LazMall để giải quyết ba vấn đề: xây dựng thương hiệu, tiếp thị và bán hàng, từ đó, giúp họ đạt doanh số cao hơn.

Các siêu giải pháp này bao gồm một loạt các siêu chiến dịch quảng bá, giúp các thương hiệu và người bán hàng trên LazMall nâng cao hình ảnh thương hiệu và tương tác tốt hơn với khách hàng thông qua gói giải pháp tiếp thị và tư vấn kinh doanh mới.

Ngoài ra, Lazada cũng cung cấp cho các thương hiệu và người bán hàng cách thức mới để thiết kế gian hàng của họ trên Lazada thông qua một công cụ công nghệ mới có tên gọi Store Builder.

Trong một động thái gây chú ý, Lazada tuyên bố sẽ giúp các thương hiệu và người bán hàng đạt được sự tương tác cao với khách hàng thông qua mô hình mua sắm “shoppertainment”, tức kết hợp giữa mua sắm (shopping) và giải trí (entertaining). Theo đó, Lazada cung cấp cho người bán hàng và các thương hiệu tính năng live streaming (phát sóng trực tiếp), news feed (cập nhật tin tức) và các game dành cho người tiêu dùng.

“Khách hàng đang thực hiện mọi thứ trên smartphone của họ. Chúng tôi muốn biến trải nghiệm mua sắm trở nên vui vẻ và mang tính tiêu khiển hơn”, Giám đốc điều hành Lazada, Pierre Poignant, nói.

Tờ South China Morning Post cho biết, thực chất, Lazada muốn áp dụng mô hình thương mại điện tử shoppertainment đã được Alibaba và JD.com thử nghiệm thành công tại Trung Quốc. Chẳng hạn, nền tảng Taobao của Alibaba đang sử dụng tính tăng live-streaming cho phép khách hàng có thể xem trực tiếp nông dân hái trái cây hay những người bán ngọc trai đang cạy vỏ sò để lấy ngọc trai, những người mẫu thử nhiều bộ đồ khác nhau và trả lời các câu hỏi về kích cỡ, chất liệu của món đồ.

“Kể từ khi ra mắt LazMall vào năm 2018, chúng tôi đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ của các đối tác thương hiệu tiên phong quan trọng. Chúng tôi muốn mở rộng các lợi ích của LazMall cho nhiều thương hiệu và người bán hàng hơn, từ đó giúp nâng tầm các hoạt động thương mại điện tử của họ. Chúng tôi muốn nuôi dưỡng các thương hiệu để giúp họ phát triển cùng chúng tôi và trở thành các doanh nghiệp thương mại điện tử bền vững và thành công”, Jing Yin, Chủ tịch Lazada, nói.

Trong các năm qua, Lazada đã tiến hành đổi mới bao gồm cho phép thanh toán khi nhận hàng, giao hàng vào ngày hôm sau ở những khu vực thích hợp và triển khai các điểm nhận hàng (pick-up points) cho khách hàng đặt mua trực tuyến.

Ngoài doanh thu từ hoa hồng trên mỗi giao dịch của người bán và doanh thu từ các dòng sản phẩm riêng, Lazada cũng đang khai thác doanh thu quảng cáo trên nền tảng này. Cũng giống như Amazon, Lazada có chuỗi cung ứng và logistics riêng, có thể được sử dụng bởi các nhà cung cấp khác và tạo ra nguồn thu cho Lazada. Lazada đang bán các dịch vụ cung ứng và logistics cho các bên thứ ba nhờ nắm trong tay nhiều máy bay, tàu chở hàng, nhà kho, các hệ thống giao hàng.

Ông Poignant nói: “Chúng tôi đang kiểm soát 80% chuỗi cung ứng và logistics của riêng chúng tôi và điều này giúp chúng tôi xây dựng niềm tin với khách hàng”. Ông cho biết Lazada giờ đây là đơn vị giao nhận từ doanh nghiệp đến khách hàng lớn nhất Đông Nam Á.

Lazada được thành lập vào năm 2011 và trở thành công ty con của Alibaba vào năm 2016. Lazada là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, đang hiện diện ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Lazada đặt mục tiêu tạo ra 20 triệu việc làm thương mại điện tử và phục vụ 300 triệu khách hàng vào năm 2030 bằng cách khuyến khích tám triệu người trở thành doanh nhân thương mại điện tử.

Tuy vậy, Lazada đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Shopee thuộc sở hữu của tập đoàn SEA (Singapore). Mới ra đời năm 2015 nhưng Shopee đã nhanh chóng thiết lập sự hiện diện ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Việt Nam và Philipines. Ngoài ra, Lazada cũng phải xoay sở chống đỡ sức ép từ các đối thủ như Bukalapak, Tokopedia ở Indonesia, Tiki (Việt Nam)…

Lazada cho biết 60% khách hàng của nền tảng này là phụ nữ vì họ là những người nắm giữ quyết định chi tiêu trong các gia đình ở châu Á. Các mặt hàng bán chạy nhất trên Lazada là hàng điện tử, thời trang và hàng tiêu dùng nhanh.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới