Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lễ và quá lễ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lễ và quá lễ

Nguyễn Quang Thân

(TBKTSG) – Mới đây, Bộ Chính trị đã có chỉ thị (45-CT/TW) uốn nắn tình hình tổ chức các ngày lễ kỷ niệm trong năm và đi kèm là những quy định chặt chẽ, cụ thể. Trước khi liên quan đến chuyện “trị quốc”, “bình thiên hạ”, lễ là cái vốn cơ bản của quan hệ giữa con người với nhau.

Người xưa nói về đạo hiếu: “Con phải biết tuổi cha mẹ để mà mừng, cũng là để mà sợ”. Mừng vì cha mẹ thêm được tuổi trời. Sợ vì sắp phải mồ côi.

Thời gian tuy vô hình nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc sống qua các sự kiện, của một dân tộc hay mỗi con người. Chính vì “phải biết tuổi cha mẹ” mà chúng ta luôn nhớ những ngày kỷ niệm, những cái mốc không thể quên trong quá khứ. Kỷ niệm lớn như ngày quốc khánh, ngày sinh anh hùng dân tộc, ngày chiến thắng một cuộc chiến tranh… Kỷ niệm nhỏ có thể là một ngày giỗ của ông bà, cha mẹ.

Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, xã hội nào cũng có những ngày kỷ niệm của mình. Nhìn lại những cái mốc, những tấm gương trong quá khứ để tìm lời giải cho bài toán tương lai vốn là xu hướng của con người. Uống nước nhớ nguồn, tổ chức kỷ niệm là “lễ”, cũng là biểu hiện kỷ cương, phép tắc của mọi thời đại.

Trong thời kỳ chiến tranh hay mới trước đây thôi, khi xã hội còn nghèo, ngân sách còn eo hẹp và quan trọng hơn, kỷ cương chưa bị rối loạn, đạo đức chưa xuống cấp như hiện nay, “lễ” còn đúng là lễ. Những ngày kỷ niệm trọng đại của quốc gia được tổ chức trong tinh thần tiết kiệm và giản dị, lấy việc đề cao tinh thần của quá khứ, của danh nhân làm trọng. Mọi người tham gia với lòng chân thành như những đứa con có hiếu với ông bà tổ tiên. Những ngày kỷ niệm đã phát huy tác dụng của bài học lịch sử, chống được đứt gẫy văn hóa truyền thống. Và thật sự gây được xúc động cũng như cảm hứng xã hội trong lòng người.

Nhưng “phú quý (bỗng dưng) sinh lễ nghĩa”. Như đứa con ăn nên làm ra thành trọc phú, sính giỗ tết linh đình, tưởng làm thể là đang báo hiếu, đang “rửa mặt” cho gia đình, dòng họ. Nhưng bò lợn hương hoa nhiều đã làm biến chất lễ, báo hiếu không phải bằng tiền, có khi chính tiền làm mai một, thậm chí giết chết truyền thống và những vẻ đẹp cũ. Rõ nhất là trong việc trùng tu các di tích. Vứt tiền qua cửa sổ hay cố tình trục lợi qua chăm sóc di tích đã biến không ít danh lam thắng cảnh có hàng ngàn năm tuổi thành một tuổi! Cũng giống như thế, vì những mục đích khác nhau, không thể nói là không vụ lợi, người ta đã làm biến chất nhiều ngày kỷ niệm. Loạn kỷ niệm hay “lễ quá hóa nhàm” là hiện tượng phổ biến trong nhiều năm trở lại đây.

Đó là những lễ kỷ niệm tuy xứng đáng nhưng làm quá dày, thay vì năm năm hay mười năm một lần, người ta làm năm một. Thay vì chỉ cần tổ chức ở Trung ương (thủ đô) rồi dân chúng có thể nghe qua tin tức hay xem ti vi thì người ta làm đến tận tỉnh hay thành phố, thậm chí tận huyện xã. Đó là chưa nói có những lễ kỷ niệm không xứng đáng, trên cả mức nhố nhăng kiểu như “hai năm tách sở” (dù sở đang bị bọn tham nhũng lũng đoạn và đấm đá nhau liên miên), “ba năm đồng chí X. về thăm” (và có dạy mấy lời nhưng mọi người đã quên hết)…

Đương nhiên như lửa và khói đi đôi, lễ to thầy chùa có oản, những cuộc kỷ niệm như thế không có xôi thịt ăn uống ê hề và phong bì thì không ai đến. Và hễ tiền ngân sách ném ra có không ít rơi vào túi ông nọ bà kia, có bớt xén, tham nhũng, ông đồng ăn một bà cốt ăn hai. Nhân dân chán chường, ngân sách thâm hụt, phú quý không sinh lễ nghĩa mà ngược lại làm hư lễ nghĩa.

Chỉ thị mới của Bộ Chính trị là phản ứng kịp thời với một hiện tượng tiêu cực nếu không ra tay sẽ dễ thành đại họa. Vì thế Bộ Chính trị quy định “tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 10 năm/1 lần ( năm chẵn) ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương có liên quan đến sự kiện”, như với ngày sinh ngày mất của lãnh tụ, danh nhân, nhân vật lịch sử… thì “tổ chức lần đầu vào dịp 100 năm, các lần tiếp theo là 10 năm và giao cho các địa phương có danh nhân”. Và nhiều quy định khác. Trên đã bảo, còn chờ xem dưới nghe đến đâu? Liệu có lay chuyển nổi mấy ông quan say mê kỷ niệm, những kẻ có biệt tài vẽ rắn thêm chân, lợi dụng “lễ” để tiến thân, thường “giỏi sắc thuốc và thăm người ốm” hơn là kinh bang tế thế, giúp nước giúp dân kiểu Vũ Tán Đường thời Lý!

Khổng Tử là người rất đề cao lễ, với ông, lễ là quan trọng bậc nhất. Thời ông sống nhiễu nhương, năm tao bảy mối, phải dùng “lễ” để cột nhau lại. Nhưng cũng chính ông có nói một câu trong Luận Ngữ chứng tỏ có lúc ông rất ớn “lễ” của người đời: “Lễ quá đi thì chính Khâu này cũng thấy xấu hổ” (quá lễ tắc tỷ). Còn dân gian có từ ghép “lễ lạt”, phải chăng lễ mà quá thì hóa nhàm, hóa lạt?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới