Chủ Nhật, 8/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc: áp lực ‘chuẩn hóa’ nông sản Việt

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc đáp ứng các quy định của Lệnh 248 và 249 trong xuất khẩu hàng hóa nông sản làm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc đã tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp Việt Nam trong đáp ứng các yêu cầu mới. Tuy nhiên, đây lại là áp lực giúp ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng chuẩn hóa.

Quy định mới của Trung Quốc là áp lực giúp chế biến thuỷ sản thay đổi tốt hơn. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Đến nay, Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp của nước ngoài khi xuất khẩu hàng nông sản làm thực phẩm vào thị trường này và Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Trung Quốc đã có hiệu lực đúng một năm (hiệu lực từ ngày 1-1-2022).

Theo đó, sau một năm thực thi, đã có hàng ngàn doanh nghiệp ngành nông, thuỷ sản của Việt Nam đăng ký đáp ứng các yêu cầu của các Lệnh 248. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số sai lỗi được các chuyên gia trong ngành chỉ ra và cần phải khắc phục nhằm khai thác tốt hơn nữa thị trường tỉ dân này thời gian tới.

Sản phẩm xuất khẩu quay đầu vì đăng ký sai

Liên quan quy định tại Lệnh 248, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản làm thực phẩm để xuất khẩu vào Trung Quốc, ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam về an toàn thực phẩm, cần phải tuân thủ các quy định của thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, Lệnh 248 quy định về phương thức đăng ký doanh nghiệp. Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là phương thức đăng ký được thực hiện như thế nào?

Theo ông Nam, quy định của Lệnh 248 là tất cả hồ sơ của các quốc gia (bao gồm Việt Nam) khi đăng ký với Hải quan Trung Quốc đều thực hiện trực tuyến. Trong đó, những đơn vị sản xuất đăng ký xuất khẩu sản phẩm thuộc 18 nhóm mặt hàng có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, thì đăng ký qua các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để được phía Trung Quốc cấp mã số.

Còn nhóm sản phẩm không thuộc nhóm 18 sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao, thì đơn vị sản xuất đăng ký xuất khẩu trực tiếp trên hệ thống website của Hải quan Trung Quốc để được cấp mã số; đối với nhóm các doanh nghiệp thương mại cũng đăng ký trực tiếp trên website của Hải quan Trung Quốc.

Theo đó, mỗi mã số được cấp cho doanh nghiệp sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm và trước thời điểm hết hạn 6 tháng, thì doanh nghiệp cần nộp hồ sơ để cơ quan chức năng phía Trung Quốc gia hạn tiếp.

Báo cáo của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, đến ngày 5-12-2022, tức sau gần một năm Lệnh 248 có hiệu lực, Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam tổng số 2.426 mã sản phẩm, tương ứng trên 2.000 doanh nghiệp đã được phê duyệt (một doanh nghiệp có thể được phê duyệt nhiều mã sản phẩm). Trong đó, có 1.236 mã sản phẩm được đăng ký qua cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, tức sản phẩm nằm trong nhóm 18 sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao và 1.190 mã sản phẩm đăng ký không thuộc nhóm 18 sản phẩm có nguy cơ cao.

Trong hai nhóm nêu trên, thủy sản và các sản phẩm liên quan đến thủy sản được Hải quan Trung Quốc cấp mã số nhiều nhất với 802, đứng thứ hai là các sản phẩm hạt, chủ yếu là điều, cà phê và một số nhóm hạt khác. Ngoài ra, còn có các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột…, cũng đã được phê duyệt cấp mã số đi vào thị trường đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm, đó là vẫn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp chưa xác định rõ sản phẩm đăng ký để được cấp mã số thuộc nhóm nào hoặc cố tình đăng ký sai để không phải thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (đối với nhóm 18 sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao – PV) nhằm mục tiêu được cấp mã số nhanh chóng hơn.

Theo ông Nam, những vấn đề như nêu trên đã dẫn đến trường hợp mã số được cấp nhưng không đúng sản phẩm khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp vì hàng xuất đi buộc phải quay đầu.

Tại diễn đàn trực tuyến kết nối nông sản 970 với chủ đề “Mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu” diễn ra mới đây, ông Hoàng Khánh Duy, Phó ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, doanh nghiệp không nghiên cứu kỹ Lệnh 248 nên khi đăng ký cấp mã số còn sai, dẫn đến chậm thông quan khi đưa hàng hóa vào Trung Quốc.

Khu vực sản xuất cũng sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Áp lực “chuẩn hoá” sản xuất, chế biến

Trong khi đó, đối với lệnh 249 sẽ đi sâu về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm tại thị trường Trung Quốc cũng như các nước khi sản xuất nông sản làm thực phẩm xuất khẩu vào quốc gia này.

Theo đó, nguyên tắc của Lệnh 249 là quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Hải quan Trung Quốc. Trong đó, điểm đáng chú ý là an toàn trên hết, tức phòng ngừa trước và quản lý rủi ro cũng như kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, quy trình tạo ra sản phẩm và đồng quản trị quốc tế. “Đây là nguyên tắc của lệnh 249 mà chúng cần phải lưu ý trong suốt quy trình canh tác, sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm”, ông Nam nhấn mạnh.

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vào Trung Quốc (xin không nêu tên) nhấn mạnh, nguyên tắc quản lý nêu trên chính là áp lực để ngành nông nghiệp Việt Nam chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm.

“Chúng ta xác định bán vào Trung Quốc, thì không còn cách nào khác là phải đáp ứng yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu đưa ra, tức phải chuẩn hoá quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm”, vị này nhấn mạnh cho rằng, đây cũng là hướng đi tất yếu, kể cả thị trường trong nước, chứ không riêng gì Trung Quốc hay các nước nhập khẩu khác.

Với chính sách mới của Trung Quốc, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II của Cục bảo vệ thực vật nhấn mạnh, Trung Quốc đã có những thay đổi mạnh mẽ trong các quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm, chứ không còn là thị trường dễ tính.

Cụ thể, sản phẩm nông sản của Việt Nam muốn xuất khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải qua đàm phán, mở cửa thị trường từ cơ quan chức năng của hai nước. Điều này, dẫn đến hoạt động sản xuất, sơ chế và chế biến của Việt Nam cũng phải được nâng cấp theo yêu cầu do phía Trung Quốc đề ra.

Ông Nam của Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Lệnh 249 đã đưa ra nhiều điều chỉnh, bao gồm áp dụng công nghệ quản lý để có thể kiểm tra trực tuyến. “Gần đây, hầu hết việc kiểm tra doanh nghiệp Việt Nam không riêng gì Trung Quốc, mà các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU) cũng tiến hành kiểm tra trực tuyến”, ông dẫn chứng.

Thực tế, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long xác nhận, phía Trung Quốc đã áp dụng kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói để tiến tới việc cấp mã số nhằm đưa khoai lang của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.

Với Lệnh 249, Trung Quốc cũng quy định cấm nhập khẩu sản phẩm nhiễm bệnh truyền nhiễm, nhất là khi chính sách zero Covid-19 được thực thi, thì khi phát hiện các sản phẩm nhiễm bệnh, phía Trung Quốc yêu cầu dừng nhập khẩu…

Rõ ràng, từ những quy định mới này của Trung Quốc đã tạo ra áp lực giúp quy trình sản xuất, chế biến của ngành nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi theo để đáp ứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới